Theo những người cao tuổi ở Phan Rang cho biết, chiếc xích lô xuất hiện trên đường phố Phan Rang khoảng bảy mươi năm trước. Sau năm 1975 là thời điểm hưng thịnh nhất của nghề xích lô ở Phan Rang lên đến trên 220 chiếc. HTX xích lô được thành lập. Với sự tiện lợi của loại xe ba bánh xích lô trở thành phương tiện đi lại hữu dụng của cư dân đô thị. Những người đạp xích lô đưa đón khách trên tất cả các tuyến đường Phan Rang- Tháp Chàm và các vùng ngoại ô như Phú Quý, Dư Khánh, Hộ Diêm. Xích lô chở học sinh đến trường, chở bệnh nhân đến bác sĩ, chở chị em nội trợ đi chợ, chở khách bộ hành từ bến xe về nhà, thăm thú người thân hoặc du xuân ngắm phố phường vào dịp tết…Đây là thời điểm nghề xích lô ăn nên làm ra.
Những người đạp xích lô chờ đón khách.
Khi đời sống kinh tế phát triển, mỗi gia đình đều sắm được xe máy và nhiều phương tiện giao thông công cộng ra đời thì nghề đạp xích lô dần rơi vào quá vãng. Toàn thành phố chỉ còn hơn mười chiếc xích lô “đóng đô” đón khách tại các chợ Phan Rang, Thanh Sơn, Tấn Tài. Những người đạp xích lô trẻ nhất cũng đã ở độ tuổi 40- 50. Chúng tôi nhiều lần đến chợ Phan Rang gặp 5- 6 bác xích lô dựng xe mòn mỏi ngồi đợi khách. Nhiều hôm đưa xe ra ngồi không đón được khách, tới trưa lặng lẽ đạp xe về. Ông Bùi Chữ “lão làng” trong nghề xích lô nói:”Tui quen với cuộc sống thường ngày ở chợ Phan Rang nên ra đứng cho vui. Có khách thì chở kiếm vài chục ngàn nếu không có thì đạp xe về nghỉ. Mấy chục năm, tui gắn bó với nghề đạp xích lô nên khó bỏ lắm”.
Chúng tôi đến thăm ông Võ Đệ, 79 tuổi, ở phường Thanh Sơn là một trong những người cao tuổi còn theo nghề xích lô. Ông Đệ quê gốc ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) vô Phan Rang lập nghiệp từ năm 1975. Ông có hơn ba thập kỷ gắn bó với chiếc xích lô mưa nắng xuôi ngược các tuyến đường Phan Rang. Nhờ nguồn thu nhập của nghề đạp xích lô đã giúp ông nuôi năm người con trưởng thành và xây dựng được nhà ở khang trang. Hàng ngày, ông thức dậy lúc bốn giờ sáng đạp xe xuống chợ đầu mối Tấn Tài chở 3- 4 khách quen và vài thùng trái cây về chợ phan Rang. Mỗi cuốc xe được trả 5-8 ngàn đồng, tùy theo tình cảm của khách ưu ái dành cho người đạp xích lô cao tuổi. Khoảng 8 giờ, ông đưa xe tới trước cổng chợ Phan Rang đón khách đi chợ về. Khách thân quen cũng dần vắng bóng, mỗi ngày ông Đệ kiếm được vài ba chục ngàn đủ mua gạo cho hai vợ chồng già và nuôi người con trai 46 tuổi tật nguyền.
”Nhờ chiếc xích lô nuôi sống gia đình tui suốt mấy chục năm qua. Nay còn sức là tui còn cố gắng đạp xe kiếm sống. Anh em cùng thời với tui mỏn sức thì nghề xích lô cũng dần rơi vào quá vãng”, ông Võ Đệ chia sẻ.
Sơn Ngọc