1. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraina (U-crai-na) những ngày qua chưa có dấu hiệu chấm dứt, mà càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước nhằm tìm ra giải pháp tối ưu ở quốc gia Đông Âu này. Sau khi Hội đồng Bảo an LHQ họp phiên khẩn cấp về Ukraina, đến lượt Tổng Thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen (A.F. Rát-mút-xen) buộc phải kêu gọi Nga áp dụng “các biện pháp khẩn cấp” chấm dứt tình trạng căng thẳng leo thang tại Kiev (Ki-ép). Trong khi đó, “niềm vui chiến thắng” của phe đối lập tại Ukraina cũng qua rất nhanh và đất nước này đang đứng trước một tương lai bất định với mâu thuẫn sắc tộc, vùng miền chưa bao giờ chấm dứt. “Bài toán kinh tế” của Ukraina với hàng tỷ USD cũng không có lời giải, khi câu trả lời của Mỹ và EU chỉ là lời hứa suông. Các nước vẫn xúc tiến ngoại giao con thoi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Đại diện đặc biệt của Tỏ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (DSCE) về Ukraina, đặc phái viên của Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu, đặc phái viên LHQ đã tới Ki-ép. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Đan Mạch cũng có kế hoạch tới Kiev. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức cũng tiến hành điện đàm, kêu gọi khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraina.
Người dân căng quốc kỳ Nga trong một cuộc biểu tình tại Simferopol, Crimea.
2. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị Bình Nhưỡng dừng các vụ phóng tên lửa, do lo ngại đến tình hình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Cũng liên quan đến đoàn tụ các gia đình ly tán,Văn phòng Tổng thống cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Park Kun-hye (Pắc Cưn Hê) kêu gọi chính quyền tiến hành các cuộc đàm phán mới với CHDCND Triều Tiên về việc cho phép các gia đình ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên được trao đổi thư từ và họp mặt qua cầu truyền hình. Tổng thống Park Kun-hye cho rằng, nhiều người cao tuổi không có đủ thời gian để chờ đợi gặp thân nhân của họ ít nhất 1 lần trước khi qua đời. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất hai miền Triều Tiên tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên cho các gia đình ly tán, nhưng phía Bình Nhưỡng chưa có hồi đáp.
3.Tại Thái Lan, Ủy ban Bầu cử (EC) nước này thông qua đề nghị của Chính phủ tạm quyền về việc trích 20 tỷ Bạt (615 triệu USD) trong Quỹ Dự phòng trung ương để thanh toán các khoản nợ cho nông dân theo chương trình trợ giá gạo quốc gia và với điều kiện Chính phủ tạm quyền Thái Lan phải trả toàn bộ số tiền này trước ngày 31-5. EC cũng đề nghị Tòa án Hiến pháp nước này xem xét và ra phán quyết về các vấn đề tranh cãi liên quan tới 28 điểm bầu cử bị người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan cản trở, cho nên không thể đăng ký tranh cử trong cuộc bầu cử ngày 2-2 vừa qua. 71% người dân Thái Lan cũng được hỏi qua cuộc thăm dò, cho rằng cần tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Dinh-lắc Xin-na-vắt) và Thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thauqsuban (Xu-thép Thau-xu-ban)nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị.
PV