Phát biểu với báo giới, ông Suthep quả quyết "sẵn sàng thảo luận về tình hình chính trị với bà Yingluck" và chỉ cần thông báo cho ông thời gian và địa điểm. Ông cũng yêu cầu truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận trên tất cả các kênh để người dân trên khắp cả nước có thể theo dõi.
Trả lời về đề xuất trên của ông Suthep, Thủ tướng tạm quyền Yingluck tỏ ra nghi ngại nếu bà nói chuyện với ông Suthep, liệu phe chống đối "có ngừng biểu tình và bầu cử sẽ được tổ chức hay không".
Trong suốt nhiều tuần qua, lực lượng chống chính phủ tại Thái Lan đã bác bỏ mọi hình thức đối thoại với chính phủ tạm quyền. Ngày 26-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Thái Lan "tham gia sớm nhất có thể vào các cuộc đối thoại toàn diện và có ý nghĩa, hướng tới chấm dứt khủng hoảng và thúc đẩy cải cách". Ông Ban Ki-moon bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi hình thức có thể để các bên liên quan cũng như toàn thể nhân dân Thái Lan vượt qua cuộc khủng hoảng này. Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul (Su-ra-pông Tô-vi-chắc-chai-cun) cũng đã đề xuất mời LHQ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở nước này.
Theo TTXVN