1. Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng chìm trong bế tắc. Bất ổn chính trị ở Thái Lan ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Bạo lực đã được đẩy lên một nấc thang mới nguy hiểm hơn, với 5 người chết (1 cảnh sát và 4 dân thường), ít nhất 70 người bị thương trong ngày 18-2. Đây là vụ đụng độ gây thương vong cao nhất kể từ khi lực lượng đối lập phát động chiến dịch biểu tình chống Chính phủ quy mô lớn mang tên “đóng cửa Băng Cốc”. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 180 người biểu tình, nhưng cũng thả họ ra sau 1 ngày giam giữ. Ngày 19-2, lực lượng đối lập do ông Suthep (Xu-thép) lại dẫn đầu hàng trăm người bao vây Văn phòng thư ký thường trực Bộ Quốc phòng, nơi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra (Dinh-lắc Xin-na-vắt) làm việc tạm thời.
Một phụ nữ CHDCND Triều Tiên khóc khi gặp lại người thân trong cuộc đoàn tụ ngày 20-2.
2. Trong khi đó, vòng đàm phán thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2 (Giơ-ne-vơ) do Nga, Mỹ, LHQ bảo trợ diễn ra trong không khí bất đồng gây gắt và kết thúc trong bế tắc hoàn toàn. Mấu chốt khiến “đối thoại trực tiếp” không trọn vẹn vẫn là những mâu thuẫn không mới giữa 2 bên: Có hay không có Tổng thống Bashar al-Assad (B. an-Át-xát) trong tiến trình chuyển tiếp; và có hay không có “lực lượng khủng bố” trong cuộc xung đột ở Syria (Xy-ri)? Không chỉ những người trong cuộc mà cả những người bảo trợ cũng đổ lỗi cho nhau. Có thể, càng đi sâu vào chi tiết các giải pháp càng đụng chạm đến lợi ích trực tiếp, khiến các bên càng khó chấp nhận nhượng bộ thêm nữa.
3. Trước tình hình bạo lực leo thang ở Ukraina (U-crai-na), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ bạo lực mới, cũng như con số thương vong trong cuộc đụng độ xảy ra tại Thủ đô Kiev (Ki-ép) ngay sau khi đàm phán ngừng chiến giữa Chính phủ và phe đối lập thất bại (làm ít nhất 25 người, trong đó có 9 cảnh sát chết và hàng trăm người bị thương từ đêm 18-2); đồng thời một lần nữa hối thúc các bên liên quan kiềm chế. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên tăng gấp đôi nỗ lực và phát huy hiệu quả của những biện pháp tích cực đã được thông qua gần đây.
4. Trái lại, trên bán đảo Triều Tiên hy vọng lại hé mở sau cuộc đối thoại cấp cao liên Triều đầu tiên trong 7 năm qua, trong đó có việc thỏa thuận tổ chức đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh. Hàng trăm thành viên các gia đình Hàn Quốc và Triều Tiên bị chiến tranh khiến cho xa cách hơn 60 năm qua, nay được gặp nhau trong cuộc đoàn tụ tràn đầy cảm xúc. Triều Tiên từng yêu cầu Seoul (Xơ-un) trì hoãn tập trận cho tới sau khi cuộc đoàn tụ, nhưng sau đó nhân nhượng trong các cuộc thảo luận cấp cao hiếm hoi. Sự nhượng bộ của Triều Tiên mở đường cho 2 miền tổ chức đoàn tụ lần đầu tiên kể từ cuối năm 2010, thể hiện dấu hiệu hiếm có cho thấy quan hệ 2 nước đang ấm dần. Cuộc đoàn tụ thân nhân đầu tiên kéo dài tới ngày 22-2 và ngày tiếp theo diễn ra một ngày sau đó với sự tham dự của 450 người từ cả 2 nước. Đoàn tụ gia đình là một vấn đề nhân đạo cấp thiết trên bán đảo Triều Tiên.
P.V