Huy động toàn xã hội tham gia chính sách giảm nghèo

(NTO) Để các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực và tiếp sức cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và đem lại hiệu quả.

Đồng hành cùng người nghèo

Trong 8 năm thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo (giai đoạn 2005-2012), tỉnh ta đã có 7.058 hộ vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 21,29% (năm 2005) xuống còn 11,2% (năm 2012). Trong đó, với những mô hình và cách làm hay, nhiều địa phương đã giảm nghèo nhanh và bền vững. Phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm là một trong những địa phương như vậy. Tỷ lệ hộ nghèo của phường năm 2005 là 4%, đã giảm xuống còn 0,73% vào cuối năm 2012 và điều đặc biệt là không có trường hợp nào tái nghèo.

Mô hình trình diễn trồng lúa nước ở hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy. Ảnh: Văn Thanh

Đồng chí Đặng Thị Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Phủ Hà cho biết: Bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, pháp luật về giảm nghèo, phường còn áp dụng nhiều hình thức đồng hành giúp người dân thoát nghèo bền vững. Cụ thể hàng năm, Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo – Giải quyết việc làm của phường phối hợp với các tổ chức đoàn thể và Ban quản lý khu phố để xác định và phân loại hộ nghèo theo nhóm nguyên nhân nghèo. Từ đó, tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp. Tiếp đó, mỗi tổ chức hội đoàn thể - chi đoàn cơ quan phường nhận đỡ đầu từ 2 đến 3 hộ nghèo bằng các hình thức: hỗ trợ 10kg gạo/tháng cho mỗi hộ và thường xuyên hướng dẫn cách làm ăn, chi tiêu trong gia đình cũng như thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ thoát nghèo từ hội, đoàn thể cấp trên.

Có thể thấy, với cách làm này, sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên đã giúp các gia đình thuộc diện hộ nghèo đã không còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà quyết tâm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Cũng với phương châm “đồng hành với người nghèo”, những mô hình hỗ trợ người nghèo vùng đặc thù khó khăn phát triển sản xuất như: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở 2 thôn Cầu Gãy, Đá Hang (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải); thôn Lương Giang (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn); hỗ trợ nuôi bò vỗ béo ở xã Phước Hà (Thuận Nam)… đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân không chỉ được hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, mà còn được chỉ dẫn kỹ thuật… Cán bộ địa phương đồng hành cùng họ trong sản xuất từ khi chọn con, cây giống, mỗi khi có sâu, dịch bệnh… đến khi thu hoạch, xuất chuồng… Đó vừa là sự giám sát nhưng cũng là động lực để người nghèo quyết chí vươn lên thoát nghèo.

Động viên, khuyến khích kịp thời

Nói về việc thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái, đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hằng năm, huyện Bác Ái thực hiện khen thưởng cho các gia đình có ý chí vươn lên thoát nghèo bao gồm cả những hộ thoát nghèo và những hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo. Điều này thật sự có ý nghĩa rất lớn trong việc khích lệ, động viên người nghèo vươn lên. Để người nghèo thoát nghèo, bên cạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì các sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo là rất quan trọng. Đặc biệt với người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn, khi nhận thức của họ còn hạn chế, không ít gia đình còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sự khen thưởng, động viên của chính quyền chính là sự khích lệ lớn lao để người nghèo có thêm động lực cố gắng.

Cũng hướng tới mục đích, ý nghĩa đó, Ban Quản lý khu phố Thanh Sơn, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) có cách làm rất hay là thông báo công khai và niêm yết danh sách các hộ thoát nghèo và đăng ký phấn đấu rút khỏi hộ nghèo hàng năm tại trụ sở Ban quản lý khu phố. Để tiện theo dõi và giúp đỡ các gia đình vươn lên thoát nghèo, các tổ nhân dân tự quản của khu phố cũng thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin về các hộ nghèo như: tình hình làm ăn sản xuất, sức khỏe, điều kiện con cái học tập… Với những trường hợp các gia đình gặp khó khăn đột xuất, khu phố tổ chức vận động để giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, khu phố Thanh Sơn chỉ còn 8 hộ nghèo, đây đều là những trường hợp đặc biệt như: người tàn tật, người già neo đơn… các hộ này đều được các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… ở khu phố nhận đỡ đầu.

Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện tốt chính sách, pháp luật giảm nghèo cho thấy sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, cùng với sự trợ giúp của các đoàn thể và cộng đồng xã hội là hết sức quan trọng. Nhưng để có được điều này thì các địa phương không thể chỉ hô hào, kêu gọi bằng khẩu hiệu mà phải đi vào thực tế, triển khai bằng những hoạt động, mô hình cụ thể, để không chỉ người nghèo mà mọi người dân trong xã hội đều thấy được ý nghĩa thiết thực của các chủ trương, chính sách cũng như lợi ích của việc xóa đói, giảm nghèo.