Bảo vệ đàn chim yến trước dịch cúm gia cầm

(NTO) Dịch cúm gia cầm xuất hiện trên đàn bàn thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn vừa qua đặt ra vấn đề cần có biện pháp bảo vệ đàn chim yến nuôi tránh bị lây nhiễm.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện trên toàn tỉnh có 100 cơ sở nuôi chim yến; trong đó, tập trung nhiều nhất là ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, với 68 cơ sở, ước tổng số đàn khoảng 300.000 con. Nhà chim số 31 Ngô Quyền, phường Đạo Long và nhà chim EK Việt Nam ở khu phố 6, phường Tấn Tài có lượng chim nhiều nhất, khoảng 80.000 con/nhà.

Nghề nuôi chim yến phát triển mạnh do mang lại nguồn lợi cao. Hộ nuôi chỉ có đầu tư ban đầu làm nhà, lắp đặt hệ thống âm thanh “dụ” chim về. Khi chim yến chịu ở, làm tổ sinh sản, hộ nuôi thu hoạch bán sản phẩm giá cao từ 20 đến 30 triệu đồng/kg, sản lượng tổ yến tăng dần theo từng năm.

 
Ảnh minh họa.

Nghề “dụ” chim trời lấy tiền nghe qua có vẻ “dễ ăn” nhưng gặp không ít rủi ro. Tháng 4-2913, tại cơ sở nuôi yến rạp Thanh Bình số 592 đường Thống Nhất, phường Đạo Long xuất hiện yến chết hàng loạt với số lượng khoảng 5.000 con. Cơ quan chức năng lấy mẫu chim yến chết, chim yến sống, phân yến đi xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với vi rút H5N1. Mặc dù ngành chức năng đã khống chế, dập được dịch, nhưng thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỷ đồng. Đồng chí Huỳnh Văn Hảo, Trạm trưởng Trạm Thú y Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết: Sau khi xử lý dịch, đàn yến khoảng 100.000 con ở cơ sở nuôi rạp Thanh Bình số bị tiêu hủy, số khác bay mất, phải nhiều tháng sau yến mới về lại, hiện số đàn ở cơ sở này còn khoảng 20.000 con.

Nay dịch cúm gia cầm tái phát, khiến cho các chủ cơ sở nuôi chim yến hết sức lo lắng. Tình hình là vậy, nhưng theo nhận định của đồng chí Phạm Đình Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, nguy cơ lây bệnh từ đàn gà sang chim yến không cao do đặc thù chim yến bay kiếm mồi suốt ngày không đậu nên khó bị lây nhiễm. Vấn đế quan trọng nhất hiện nay là phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi, hạn chế người ra vào nhà yến.

Với quyết tâm bảo vệ đàn chim yến trước dịch cúm, mới đây các thành phố, huyện, thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn. Tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, qua kiểm tra tình hình đàn chim yến vẫn ổn định, chưa thấy cá thể yến chết bất thường. Tuy nhiên, để phòng ngừa, Đoàn kiểm tra khuyến cáo chủ các cơ sở nuôi chim tiến hành dọn dẹp vệ sinh hằng ngày, tạo thông thoáng trong mùa nắng sắp đến, phun hóa chất sát trùng mỗi tuần ít nhất 1 lần. Đề nghị các chủ cơ sở nuôi chim yến khi phát hiện yến chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, ngành chức năng xử lý. Đồng chí Huỳnh Văn Hảo, cho biết: Nhìn chung ý thức phòng ngừa dịch cúm của chủ cơ sở nuôi chim yến rất cao. Các hộ đã dùng thuốc Virkons phun xung quanh khu vực nuôi có tác tiêu diệt mầm bệnh vừa không có mùi nồng nặc làm chim yến rời tổ.

Hiện Trạm Thú y các thành phố, huyện, tiếp tục giám sát chặt chẽ đàn chim yến nuôi, chủ động nắm bắt thông tin từ cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch. Đồng chí Huỳnh Văn Hảo, cho biết: Trường hợp phát hiện chim chết, công tác kiểm dịch phải cẩn trọng. Trên thực tế vệ sinh nhà nuôi không tốt, phân yến ẩm ướt gặp nắng nóng làm tăng nhiệt độ, giảm khí ô xy cũng làm yến chết, nhất là chim con chưa tự rời tổ bay đi kiếm mồi. Chính vì vậy, khi có hiện tượng xấu, các chủ cơ sở nuôi cần bình tĩnh phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ đàn yến, không nên vì 1 con chết mà tận diệt cả đàn.