Giáo viên ủng hộ, học sinh vui mừng!
Dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt” của Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp: Thứ nhất, thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Thứ hai, thí sinh thi 5 môn, gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.
Học sinh trao đổi bài làm sau thi tốt nghiệp năm 2013.
Trao đổi với phóng viên Báo Ninh Thuận, hầu hết các cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh THPT đều đồng tình, ủng hộ chủ trương giảm môn thi tốt nghiệp và cho rằng nên thực hiện theo phương án 1. Thầy giáo Nguyễn Hoàng Đông, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ninh Hải cho rằng: Việc tổ chức 4 môn thi tốt nghiệp sẽ giúp học sinh bớt áp lực, tạo điều kiện cho các em lựa chọn những môn học mình có khả năng và có thêm thời gian đầu tư cho mục tiêu cao hơn đó là vào cao đẳng, đại học.
Em Vũ Thị Châu, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Phan Chu Trinh cũng bày tỏ sự đồng tình khi kỳ thi tốt nghiệp giảm còn 4 môn thi. Châu cho biết, không riêng em mà bạn bè trong lớp đều rất mong phương án 1 sẽ được phê duyệt. Như vậy, chúng em sẽ bớt được áp lực vì phải học quá nhiều môn. Việc chọn môn thi cũng giúp chúng em tập trung cho môn mà mình dự định thi đại học, cao đẳng ngay từ đầu, không phải lo học thêm hay “chạy nước rút” ở các lò luyện sau kỳ thi tốt nghiệp.
Vẫn còn những băn khoăn
Đồng tình, ủng hộ với chủ trương và phương án thi tốt nghiệp 4 môn nhưng các thầy, cô giáo, học sinh và cả phụ huynh cũng bày tỏ không ít băn khoăn. Trong đó, nhiều người cho rằng sẽ không đảm bảo tính công bằng nếu quy định tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp chung cho mỗi Sở GD&ĐT tối đa là 20%. “Nên ban hành tiêu chuẩn miễn thi và căn cứ vào đó để xét, bất kỳ học sinh nào đủ điều kiện thì được miễn chứ không nên khống chế tỷ lệ” – Đó là ý kiến của thầy giáo Phan Công Trình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, huyện Thuận Nam. Đồng tình với quan điểm này, thầy giáo Lê Tám, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn, huyện Ninh Sơn bày tỏ: Việc miễn thi tốt nghiệp là hợp lý nhưng nếu khống chế tỷ lệ tối đa thì sẽ gây nên nhiều thắc mắc trong phụ huynh và học sinh về tính công bằng. Những quy định mới về miễn thi tốt nghiệp cũng không nên thực hiện ngay từ năm học này bởi vì như vậy học sinh cũng không còn thời gian để phấn đấu, những em được xét miễn cũng không thấy rõ được thành quả của sự nỗ lực. Cũng theo thầy giáo Lê Tám, nếu áp dụng phương án thi tốt nghiệp mới, học sinh có thể được giảm bớt áp lực thi cử nhưng công tác triển khai tổ chức kỳ thi sẽ không được giảm bớt mà có phần phức tạp hơn, từ khâu ra đề, coi thi, phân bố cơ sở vật chất, phòng thi… Để thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng thì ngành GD&ĐT phải sớm ban hành hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Việc đưa Ngoại ngữ vào môn thi được cộng điểm khuyến khích cũng không được nhiều giáo viên và phụ huynh đồng tình với lý do: Sẽ thiếu công bằng và thiệt thòi cho những học sinh ở vùng khó khăn, không có điều kiện học ngoại ngữ.
Thực hiện theo công văn về việc xin ý kiến dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt” của Công đoàn ngành GD Việt Nam và Công đoàn GD tỉnh Ninh Thuận, cán bộ, giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh ta đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cũng như có những thông tin ban đầu đến phụ huynh, học sinh, giúp các em chuẩn bị tâm lý và có những định hướng học tập đúng đắn để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
Nhật Quỳnh