Ngành của tương lai
Theo PGS.TS Phan Tuấn Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển CNSH đến năm 2020, trong đó có cả việc đào tạo nguồn nhân lực.
Đi kèm theo đó là những chương trình đầu tư phát triển CNSH lớn (CNSH trong Nông ngiệp, CNSH trong Thủy sản và tới đây là CNSH trong Môi trường, CNSH trong Y tế) được phê duyệt với tổng kinh phí cho cả giai đoạn lên tới 1.000 tỷ đồng/chương trình...
Điều này cũng có nghĩa là cơ hội việc làm cho các người học theo lĩnh vực này đã và đang ngày được rộng mở hơn.
TS Đoàn Thị Ngọc Thanh – giảng viên khoa Kỹ thuật Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Tiền Giang) cho biết, học ngành CNSH, sinh viên sẽ nắm được chìa khóa công nghệ cao để áp dụng vào nghiên cứu và sản xuất trong rất nhiều lĩnh vực.
Ngành này cũng được bộ GD&ĐT chú trọng nhằm tăng cường nhân lực có chất lượng cao cho cả nước, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL.
Trên thực tế, gia nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, ngành CNSH đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo nhiều giống cây trồng mới, ứng dụng vào xử lý môi trường, tạo ra những bộ Kit chẩn đoán bệnh cho thủy sản, cho gia súc gia cầm và chẩn đoán bệnh người ...
Hiện tại, nước ta đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện môi trường. Do đó, định hướng phát triển ngành CNSH theo hướng nông nghiệp được chú trọng cao, trong đó có việc tạo đào lao động có trình độ cao về công nghệ sinh học.
Cũng TS Đoàn Thị Ngọc Thanh, ngày nay, CNSH đang được ứng dụng vào trong rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y học, dịch vụ, du lịch… nhằm phục vụ cho mọi như cầu của cuộc sống như dinh dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe...
Bằng những kiến thức sinh học về thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn,... và sử dụng “công nghệ DNA tái tổ hợp”, những nhà khoa học đang cố gắng tạo ra những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm phục vụ cho việc chữa bệnh cho con người...
"Hiện nay, nhiều trường có đào tạo ngành Công nghệ sinh học. Ví dụ: Trường ĐHKHTN (thuộc ĐHQGHN), Trường ĐHKHTN (thuộc ĐHQG TP HCM), ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần thơ, ĐH Lâm Nghiệp, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và có thể còn có thể có ở một vài trường đại học khác".
Đòi hỏi sự đam mê khoa học và sáng tạo
Nói về những phẩm chất của sinh viên khi theo học chuyên ngành này, TS Đoàn Thị Ngọc Thanh cho rằng, điều đầu tiên là phải đam mê khoa học và sáng tạo, yêu thích ngành học.
Bên cạnh đó, học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là sinh học, hóa học và vật lý. Những kiến thức vững chắc về các môn này sẽ là nền tảng tốt để sinh viên có thể tiếp thu các kiến thức phức tạp của ngành CNSH.
Ngoài ra, sự cẩn trọng, tỉ mỉ luôn là một tố chất quan trọng cho người làm CNSH. Do phải làm việc nhiều trong phòng thí nghiệm với những chi tiết nhỏ li ti hay những quá trình phải tuân thủ nghiêm ngặt nên nếu không cẩn thận trong những chi tiết, quá trình đó thì khó mà hoàn thành được kết quả.
Trong quá trình học, các bạn cũng cần tiếp thu các kỹ năng mềm, khả năng nghiên cứu và khả năng tự học.
Ngoài ra, sinh viên cũng cần trao dồi kỹ năng mềm, kiến thức anh văn, tin học bên cạnh kiến thức về chuyên môn vững chắc thì khả năng tìm việc rất cao. Bởi vì ngành CNSH hiện nay có thể ứng dụng nhiều lĩnh vực liên quan đến thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y sinh ...
Thực tế theo đánh giá của các nhà tuyển dụng thì việc thí sinh học ngành CNSH ở trường nào không phải là yếu tố quyết định mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như kỹ năng mềm, khả năng sử dụng máy tính, tiếng Anh...
Học chuyên ngành CNSH, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại rất nhiều vị trí:Chuyên viên tại các viện Kiểm nghiệm, viện Nghiên cứu, các cơ quan Y tế, bệnh viện, xí nghiệp Dược, các viện nghiên cứu Y Dược, các công ty chế biến thực phẩm, Nông lâm nghiệp, Thủy sản, Bảo vệ Môi sinh,…
Các doanh nghiệp trong nước chuyên về môi trường, xử lý nước thải, cây xanh… cũng luôn cần tuyển những nhân viên mới, có năng lực để tiếp cận các công nghệ hiện đại.
Một số các công ty nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên trong ngành này là: Unilever, Bia Việt Nam, SanMiguel, Dutch Lady, công ty CNSH Nanogen … Ngoài ra còn có rất nhiều các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hay bệnh viện trong nước chuyên về xử lý chất thải, môi trường, thực phẩm, phân bón, sinh phẩm …
Sinh viên cũng có thể giảng dạy ở các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục trong lĩnh vực CNSH.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại