Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người và phòng, chống dịch sởi

(NTO) Ngày 23-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người và phòng, chống dịch sởi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chủ trì hội nghị. Tham dự tại tỉnh ta có đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đến nay, cả nước có 17 tỉnh, thành xuất hiện dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm; ghi nhận 2 người mắc bệnh tử vong. Chủng cúm A(H7N9) đã xuất hiện tại Trung Quốc. Tại nước ta, mặc dù chưa phát hiện nhưng do tình trạng vận chuyển gia cầm trái phép tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc vào nước ta vẫn chưa được ngăn chặn triệt để nên nguy cơ xâm nhập rất cao.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Thời gian qua, cả nước cũng đã ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc bệnh sởi tại 24 tỉnh, thành, trong đó có 3 trường hợp tử vong, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh hoặc chưa được tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Tại tỉnh ta đầu năm đến nay đã phát hiện 2 ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm tại thôn Trà Giang 1, xã Lương Sơn và khu phố 8, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi và bệnh cúm A(H5N1) trên người, tuy nhiên với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sẽ không loại trừ nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với bệnh sởi, tỷ lệ số trẻ được tiêm vắc-xin phòng bệnh mũi 2 tại một số địa phương còn thấp, điển hình như Tp. Phan Rang- Tháp Chàm (70%), Ninh Phước (63,6%).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần tích cực phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh; đặc biệt cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Đối với bệnh sởi, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng chống bệnh. Ngành Y tế, các cơ quan Thú y nâng cao năng lực hoạt động nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống dịch bệnh xảy ra trên người và đàn gia cầm, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.