Tiếp tục Phiên họp thứ 25, sáng ngày 1/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Có nên để Bộ Giao thông vận tải quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không?
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không dân dụng, đồng thời bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, Dự thảo Luật giao Bộ Giao thông vận tải quy định giá đối với giá dịch vụ cất cách, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác (khoản 4 Điều 11), Bộ GTVT khẳng định, quy định này phù hợp với những nguyên tắc quản lý giá được quy định trong Luật Giá năm 2012.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với dự thảo Luật giao Bộ GTVT quy định giá đối với một số dịch vụ hàng không là phù hợp về thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giá năm 2012 (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quy định giá dịch vụ theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ).
Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng, với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc quyết định đối với một số giá các loại dịch vụ này, do đó, cần quy định Bộ GTVT quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Cũng có ý kiến đề nghị, cân nhắc lại quy định thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá tại khoản 6 Điều 11, bởi lẽ, theo quy định của Luật Giá thì thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hiệp thương giá thuộc Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển dù đồng tình với việc dự thảo Luật quy định Bộ GTVT quản lý và định mức giá, khung giá trên cơ sở tham gia ý kiến của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính quản lý phí, lệ phí, nhưng theo ông, quy định như dự thảo Luật về việc Nhà nước quản lý giá là hơi rộng so với Luật Giá. “Công tác bình ổn giá, định giá chỉ duy trì trong một số lĩnh vực còn độc quyền để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ mà thôi, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu” – ông Phùng Quốc Hiển phát biểu.
Ông cũng đề nghị nên giao Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT để tránh tình trạng “Bộ GTVT vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình với đề nghị này
Ngoài vấn đề trên, các thành viên UBTVQH cũng góp ý vào các nội dung về Thanh tra hàng không; việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; cảng vụ hàng không...
Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
Cũng trong sáng 21/2, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, Ban Công tác đại biểu tiến hành một số công việc chuẩn bị để Kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 năm nay, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn; đồng thời, xin ý kiến để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.
Thảo luận báo cáo, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm là việc mới được tiến hành, được nhân dân đánh giá rất cao. Theo ông, vì là lần đầu thực hiện nên việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm là rất quan trọng. Ông đề nghị Bộ Chính trị xem xét, nên hoàn chỉnh để có thể tiếp tục thực hiện lấy phiếu tín nhiệm
Nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh để nhận xét cán bộ, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng ý tạm dừng thực hiện, bởi việc lấy phiếu tín nhiệm đã cho thấy những vướng mắc cần phải khắc phục, sửa đổi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều nhấn mạnh, thông báo của Bộ Chính trị không nói là dừng luôn, mà tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp tháng 5/2014, sẽ tiếp tục làm sau khi sửa Nghị quyết 35.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ tạm dừng ở kỳ họp tháng 5/2014. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ có văn bản xin các đại biểu Quốc hội chấp thuận việc dừng lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp tới. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội sửa Nghị quyết 35. Việc lấy tín nhiệm ở các năm sau thế nào do Quốc hội quyết định khi sửa đổi Nghị quyết này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam