Băn khoăn khống chế tuổi hành nghề công chứng

Việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên; tuổi hành nghề công chứng; trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên… là những vấn đề “nóng” được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận tại phiên họp chiều ngày 20/2 khi cho ý về dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).

Phạm vi công chứng là nội dung đầu tiên được các thành viên UBTVQH tập trung cho ý kiến.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên được chỉnh lý theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký, nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng (điểm c khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay. Quy định này được đa số các thành viên UBTVHQ đồng tình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, làm như vậy sẽ tăng thêm sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Đối với việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ, ý kiến các thành viên UBTVQH cũng tán thành quy định công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch như quy định trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Quy định như vậy nhằm tăng cường việc kiểm soát, nâng cao chất lượng của bản dịch, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người yêu cầu công chứng.

Liên quan đến tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc hình thành tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là cần thiết để tập hợp, đoàn kết hội viên nhằm phát huy vai trò tự quản của các tổ chức này; hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc quản lý hành nghề công chứng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người hành nghề công chứng.

Tuy nhiên, về trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, hiện có hai loại ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, công chứng là một nghề quan trọng, vì vậy, công chứng viên phải có nghĩa vụ tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên để tăng cường tính tự quản trong hoạt động công chứng, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Liên minh Công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên.

Không đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ, việc tham gia hội trước hết phải dựa trên nhu cầu tự nguyện, tự quản của công dân, tổ chức được liên kết với nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hiến pháp đã khẳng định, công dân có quyền tự do lập hội. Do vậy, không thể quy định trong Luật này công chứng viên phải tham gia một tổ chức xã hội – nghề nghiệp nhất định.

Liên quan đến tuổi hành nghề của công chứng viên, do ý kiến còn khác nhau, Thường trực Ủy ban pháp luật đã dự kiến 2 phương án trong dự thảo Luật để UBTVQH cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi. Phương án 2: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Khẳng định tuổi nghỉ hưu và tuổi hành nghề là hoàn toàn khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, tuổi nghỉ hưu đã được quy định trong Bộ luật Lao động, còn tuổi hành nghề thì không ai khống chế (trừ trường hợp gây nguy hại). Do đó, theo bà, không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như: Luật sư, bác sĩ... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này. Ngoài ra, người về hưu rồi, nếu quy định về giới hạn tuổi hành nghề trong Luật này sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì cho rằng, tuổi hành nghề đối với công chứng viên làm ở phòng công chứng nhà nước cần bắt buộc thực hiện theo Luật Lao động. Còn với những người hành nghề ở văn phòng công chứng tư nhân thì không nên khống chế tuổi, nếu còn đủ sức khỏe thì được tiếp tục hành nghề.

Tuy đồng tình với việc đưa ra hai phương án để ĐBQH thảo luận, nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị, khống chế tuổi hành nghề công chứng. Bộ trưởng lý giải: Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nói riêng và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế nói chung. Thêm vào đó, tất cả các nước đều quy định tuổi hành nghề công chứng như: Trung Quốc là 65 tuổi, Nhật Bản là 70 tuổi… “Vì vậy, khống chế tuổi hành nghề công chứng là cần thiết để đảm bảo công chứng viên đủ sức khỏe, minh mẫn để hành nghề.” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Cũng trong phiên họp chiều 20/2, UBTVQH cho ý kiến Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam