Những năm gần đây, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cộng với những tiêu cực của Internet đã làm một bộ phận không nhỏ HS đang có những biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức: ham chơi, chưa có thái độ, ý thức đúng đắn trong học tập; thiếu trung thực với bố mẹ và thầy, cô giáo, hay vi phạm nề nếp trong lớp, đua đòi… Trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra một số vụ HS gây gổ, đánh nhau có hung khí. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ để báo động sự cần thiết và đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các trường phổ thông trong việc giáo dục đạo đức cho HS.
Cô giáo Trần Thị Thu Hương, Chủ nhiệm lớp 1A, Trường TH Tấn Tài 3, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm
nhắc nhở HS thực hiện nội quy của lớp.
Nhà giáo Lương Văn Lân, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho rằng: Dù trong thời đại nào, thì giáo dục đạo đức cho HS vẫn là một trong 2 nhiệm vụ chính, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Chỉ có giáo dục đạo đức tốt, HS thực hiện nghiêm túc nền nếp nhà trường thì mới cải thiện và nâng cao được chất lượng giáo dục văn hóa. Là một trong những trường THPT trọng điểm của tỉnh, những năm qua, Trường THPT Chu Văn An đã có những cách làm hay, hiệu quả để giáo dục, cảm hóa được nhiều HS chậm tiến, thay đổi ý thức và phấn đầu, rèn luyện cùng tập thể. Nhà trường đặc biệt coi trong vai trò của giáo viên và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Nhà giáo Lương Văn Lân cho rằng, giáo viên không chỉ là người dạy chữ, mà còn dạy làm người. Giáo viên cũng chính là tấm gương để HS soi vào, rèn luyện vì vậy phải là những người có chuẩn mực đạo đức, từ lối sống, cách cư xử, ăn mặc, lời nói…; thân thiện, yêu thương học trò nhưng không suồn sả; nghiêm khắc nhưng phải dạy các em với tinh thần khoan dung, uốn nắn… Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm nên là những người cha mẹ, anh chị, không biến giờ sinh hoạt lớp thành giờ lên án mà hãy để các em được thổ lộ, chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện về bài học đạo đức, bài học làm người…
Cùng với thầy, cô giáo vai trò của các tổ chức đoàn thể cũng hết sức quan trọng trong việc định hướng, giáo dục nhân cách cho HS. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong trong nhà trường cần biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để xây dựng những sân chơi mới, sáng tạo; tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ có ý nghĩa… chính là việc làm cần thiết để định hướng HS tới những hoạt động lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội…
Không ít người cho rằng, việc giáo dục đạo đức cho HS khó nhất ở độ tuổi cấp THCS, THPT. Vì đây là thời điểm các em có những thay đổi về tâm, sinh lý, dễ nhảy cảm, thích làm người lớn… việc tuyên truyền giáo dục cũng cần những cách làm khéo léo, phù hợp. Thực tế, giáo dục đạo đức cho HS TH cũng hết sức quan trọng. Cô giáo Lâm Thị Phú, Hiệu trưởng Trường TH Tấn Tài 3 ( Phan Rang – Tháp Chàm) khẳng định: Những năm TH là giai đoạn hình thành nhân cách, giúp các em có những nhận thức đúng đắn về giá trị đạo đức, biết yêu thương, kính trọng người khác. Các em dễ bị ảnh hưởng và bắt chước người lớn vì vậy, giáo dục đạo đức chính là thầy cô, cha mẹ phải làm gương cho con trẻ. Trường TH Tấn Tài 3 cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và kịp thời tuyên dương, khen thưởng HS có việc làm tốt như: biết giúp đỡ bạn, nhặt được của rơi trả lại người mất hay HS “chưa ngoan” có biểu hiện rèn luyện tốt… Nhà trường cũng cho dán bảng nội quy trường lớp với những nội dung cụ thể như: Lễ phép, kính trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi; yêu thương, giúp đỡ bạn bè; biết nói cảm ơn, xin lỗi… Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo cho liên đội thực hiện các phong trào: kế hoạch nhỏ, giúp đỡ bạn nghèo, tìm hiểu truyền thống, lịch sử dân tộc… qua đó giáo dục cho các em lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái.
Để tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho HS trong nhà trường, thời gian qua, Sở GD&ĐT cũng đã lồng ghép và có các văn bản chỉ đạo về Giáo dục pháp luật trong nhà trường, bộ môn Giáo dục công dân và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương học đường. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2013-2014, 100% trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho HS ký cam kết thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự trường học, phòng chống cháy nổ, tránh xa ma tuý, không vi phạm an toàn giao thông, không sử dụng xe máy khi đến trường. Trong tuần lễ sinh hoạt đầu năm học, các trường đã tổ chức ngoại khóa về giáo dục pháp luật, an toàn giao thông… Qua đó, đã góp phần giáo dục nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống, nâng cao ý thức chấp hành tốt pháp luật cho học sinh, thực hiện tốt công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội và tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh.
Bích Thủy