Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ

(NTO) Từ năm 2009 đến nay, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã đào tạo nghề cho 398 bộ đội xuất ngũ (BĐXN), đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng lao động tay nghề cao.

Ông Bùi Đức Tú, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho BĐXN, những năm qua nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ CHQS tỉnh tư vấn, tuyển sinh là đối tượng BĐNX vào học. Ban đầu nhà trường chỉ đào tạo hệ sơ cấp, đến năm 2012 liên kết với Trường Cao đẳng nghề Số 8 (Bộ Quốc phòng) đào tạo miễn phí cho BĐXN thêm hệ trung cấp và cao đẳng. Nét nổi bật của trường là được hưởng thụ đầu tư từ nguồn vốn ODA của Cộng hòa Liên bang Đức và Ả Rập Xê Út trong xây dựng cơ vật chất, thiết bị; đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nên quy mô trường lớp, ngành nghề ngày càng được mở rộng.

Giờ thực hành của học viên khoa Điện-Điện tử.Ảnh: Thanh Long

Nhờ đổi mới, áp dụng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế nên BĐXN được đào tạo nghề tại trường ngày càng đông. Năm 2013, có 132 BĐXN học nghề ra trường có việc làm ổn định. Anh Nguyễn Công Thiện, BĐXN ở Tp.Phan Rang - Tháp Chàm, chia sẻ: Sau khi xuất ngũ, tôi được đơn vị cấp thẻ học nghề miễn phí. Qua tìm hiểu, tôi quyết định đăng ký học lớp Trung cấp Công nghệ ôtô ở trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ra trường đội Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát nhận vào làm ngay. Hiện tại công việc của tôi ổn định, mức thu nhập khá.

Không riêng gì anh Thiện, nhiều học viên QĐXN khác ra trường đều tìm được công ăn việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Đạt được kết quả trên, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường còn đẩy mạnh quan hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, khảo sát đầu ra, tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm.

Hiện tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận có 174 BĐXN theo học các nghề Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Nhà trường cũng đang tiếp tục nhận BĐXN năm 2013 đào tạo nghề miễn phí. Hiệu trưởng Bùi Đức Tú, cho biết thêm: Mỗi năm tỉnh ta có khoảng 1.000 BĐXN và hàng ngàn thanh niên có nhu cầu học nghề. Có thể nói, hoạt động dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho BĐXN của nhà trường đã có tác dụng tích cực động viên tinh thần thanh niên an tâm lên đường nhập ngũ, hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó và khi trở lại địa phương có điều kiện học nghề, tìm việc làm ổn định cuộc sống.