Nơi ươm những mầm xuân mới

(NTO) Con đường bê tông nhỏ dẫn vào Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh nằm giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Ở nơi đây, mỗi học viên đều đang được hỗ trợ tích cực để ươm những mầm xuân mới cho cuộc đời mình.

Không khí Tết Giáp Ngọ-2014 vẫn còn in dấu trên những cành mai, những căn phòng ở do học viên trang trí. 80 thanh-thiếu niên đang học tập, cai nghiện ma túy ở đây vừa trải qua những ngày Tết ấm áp, vui tươi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, bổ ích. Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh khu nhà ở của học viên, anh Đỗ Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức – Giáo dục cho biết: Đơn vị luôn quan tâm xây dựng một môi trường giáo dục lao động thân thiện, đầy yêu thương để các em vượt qua mặc cảm, có niềm tin vào cuộc sống, tạo động lực để cai nghiện hiệu quả, sớm trở về hòa nhập cộng đồng.

 
Các học viên thường xuyên chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Là con thứ 2 trong gia đình 3 anh em, vì hoàn cảnh khó khăn, không được đi học đầy đủ, cuộc đời của anh Trần Văn Nam (SN 1985) ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã không thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Ban đầu, bị bạn bè rủ rê, anh hút cho biết, rồi bị nghiện. Được công an địa phương đưa vào trại, anh thuộc đối tượng cai nghiện bắt buộc, thời gian cai là 2 năm. Sống trong trại hơn 15 tháng, sức khỏe của anh dần dần được hồi phục, anh đã vượt qua những cơn nghiện, đang chờ ngày trở về. Ánh mắt đong đầy niềm vui, anh Nam khoe với chúng tôi: “Còn mấy tháng nữa là mình được về, cảm giác rất bồi hồi, nôn nao trong người. Ở đây một thời gian, được sự quan tâm, giáo dục của các thầy cô, mình đã cố gắng cai nghiện và đang thực hiện rất tốt”. Nói về tương lai, anh lại có chút tư lự: “Về thì mừng nhưng mình cũng lo lắng lắm, chỉ ước mong là thoát khỏi cơn nghiện hoàn toàn. Mình hy vọng, khi trở về được xã hội đón nhận, có việc làm ổn định, mình cũng đã mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Chỉ nghĩ đến những điều đó, sự quyết tâm cai nghiện của mình càng cao và tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ tái nghiện”.

Trò chuyện với các chị em Đội nữ, điều dễ dàng nhận thấy là đa số đều còn rất trẻ. Trong câu chuyện về hoàn cảnh của bản thân, chị Tăng Ngọc Thùy (TP. Hồ Chí Minh) có phần dạn dĩ hơn mọi người. Sau 13 tháng nỗ lực học tập, lao động, chị sắp được trở về với gia đình thân yêu. Chị tâm sự: “Mình đã hơn 30 tuổi rồi, mà lần này lại là lần cai thứ 2 nữa, nên suy nghĩ nhiều lắm, dằn vặt nhiều lắm. Được các thầy cô, anh chị trong đây giúp đỡ, Thùy thật sự muốn bắt đầu lại cuộc đời, chuyên tâm sống và làm việc, nuôi dạy con cái cho nên người.” Mới vào Trung tâm hơn một tháng, Đỗ Thị Xuân Diễm (Bình Phước) đã dần quen với cuộc sống, nền nếp sinh hoạt ở đây. Cô gái 19 tuổi rụt rè cho biết: “Mỗi anh chị hoàn thành chương trình giáo dục trở về với cộng đồng là một niềm hy vọng, động lực cho những người mới như em phấn đấu, quyết tâm hơn. Trong đây, được mọi người quan tâm, yêu thương nhiều nên cũng đỡ nhớ nhà, nhớ con.”

Thành lập từ năm 1993, mỗi năm Trung tâm có khoảng 200 lượt người đến cai nghiện. Cùng với những biện pháp cắt cơn nghiện, hồi phục sức khỏe cho học viên, Trung tâm còn giáo dục các kỹ năng sống, những giá trị tinh thần của con người, dạy nghề cho học viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, sinh nhật,… Nhờ vậy mà các em không chỉ ý thức được tác hại của ma túy, có động lực, quyết tâm vượt qua cơn nghiện mà còn có thêm hy vọng vào một tương lai mới, một cuộc đời mới tươi sáng và đầy ý nghĩa. Nắng nhẹ buông trong buổi chiều xuân dịu dàng, khung cảnh thanh bình và âm thanh rộn ràng của một trận bóng đá mi-ni như góp thêm cho mùa xuân hơi ấm của tình thương, niềm tin và hy vọng.