Tổng thống Mỹ sẽ nói gì trong Thông điệp Liên bang 2014?

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) sẽ đọc bản Thông điệp Liên bang 2014 vào “giờ vàng” (9 giờ tối miền Đông nước Mỹ) ngày 28/1 được truyền hình trực tiếp tới toàn thể người dân Mỹ. Báo chí Mỹ bắt đầu quan tâm về nội dung Thông điệp Liên bang năm nay, trong đó cho rằng việc tiếp tục duy trì quyền kiểm soát Thượng viện của Đảng Dân chủ là mục tiêu chính trị hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng, đồng thời các mục tiêu chương trình nghị sự nhằm để lại di sản cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai sẽ được nhấn mạnh sau một năm ông không tận dụng được “vầng hào quang chiến thắng” trong kỳ bầu cử tổng thống 2012. Có lẽ, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc đến nhiều khía cạnh trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang năm nay nhằm hướng tới cái mà ông gọi 2014 là “năm của hành động” trong việc thúc đẩy các mục tiêu chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ hai vẫn còn “ngổn ngang” ở phía trước.

Thứ nhất, Tổng thống Obama sẽ tận dụng cơ hội này để công kích phe Cộng hòa ở mức độ nào đó nhằm tạo lợi thế cho kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Dường như có rất ít khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ nhấn mạnh sự khác biệt giữa Đảng Dân chủ của ông và đối thủ Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Quốc hội Mỹ. Nhà Trắng rất muốn Đ ảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát Thượng viện nếu không muốn phải lặp lại kịch bản bị “khóa tay”, “phòng thủ” trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama như một số tổng thống Mỹ khác và di sản để lại của vị Tổng thống thứ 44 nước Mỹ sẽ không có gì là chắc chắn. Có lẽ, ông sẽ chỉ muốn thông qua bản Thông điệp Liên bang này để làm nổi bật tầm nhìn của ông với đất nước và nhấn mạnh sự tương phản so với các đối thủ chính trị của ông, tạo thuận lợi cho phe Dân chủ củng cố nền tảng ủng hộ trong các tầng lớp nhân dân Mỹ. Một thực tế cũng không thể phủ nhận là ông chủ Nhà Trắng vẫn rất cần đến sự hợp tác của phe Cộng hòa nếu ông muốn các chương trình lập pháp của mình có đường đi “suôn sẻ”. Trước hết, vấn đề cải cách nhập cư vẫn là ưu tiên hàng đầu và vẫn còn cơ hội thông qua trước khi ông rời Nhà Trắng, nhất là khi các nhà lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner (Giôn Bâu-nơ) và Kevin McCarthy (Ke-vin Mắc-Ca-thy) đã bắn tín hiệu họ có thể ủng hộ cho Dự luật cải cách nhập cư, theo đó cho phép nhiều người nhập cư bất hợp pháp có cơ hội trở thành công dân Mỹ. Sẽ là nguy hiểm cho ông chủ Nhà Trắng nếu tấn công quá mạnh vào Đảng Cộng hòa khi cơ hội hợp tác giữa hai bên vẫn còn mong manh trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu nhẹ nhàng quá thì ông sẽ bỏ qua một cơ hội quý báu để củng cố thế đứng của đảng mình trong kỳ bầu cử tới.

Hai là, các vấn đề nào sẽ tiếp tục được lặp lại trong nội dung Thông điệp Liên bang năm nay ?. Trong Thông điệp Liên bang 2013, Tổng thống Obama đã kêu gọi thông qua đạo luật kiểm soát súng đạn, cải cách nhập cư và mong muốn nâng lương tối thiểu từ 7,25 lên 9 USD/giờ cũng như muốn thấy Quốc hội thông qua đạo luật mới về an ninh mạng. Tuy nhiên, tất cả các điều này đến nay vẫn chưa trở thành sự thật và nhiều khả năng nó sẽ được lặp lại trong bài phát biểu của ông vào tối thứ Ba tới. Trong các vấn đề này thì kiểm soát súng đạn có khả năng ít được nhắc lại nhất do nó có thể gây bất lợi cho cuộc chạy đua giữ ghế của một số ứng cử viên Đảng Dân chủ đến từ các bang Alaska (A-lát-xca), Arkansas (A-can-xát), South Dakota (Đa-cô-ta Nam), West Virginia (Vơ-gi-ni-a Tây) và Montana (Môn-ta-na) vào Thượng viện Mỹ.

Ba là, vấn đề ObamaCare sẽ được xử lý ra sao. Năm 2013 kết thúc với dấu hiệu tiến triển tích cực hơn của việc thực thi đạo luật cải tổ y tế được biết đến với tên gọi ObamaCare, song dường như “bóng mây đen” về trục trặc của trang mạng HeathCare.gov vẫn còn ám ảnh tâm trí người dân Mỹ. Nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ đề cập đến vấn đề này trong Thông điệp Liên bang, song mức độ và thời lượng sẽ phải có nhiều cân nhắc. Sẽ còn quá sớm để đánh giá đầy đủ về đạo luật mà ông đã đặt bút ký và dường như ông cũng không muốn bài phát biểu quan trọng của mình bị vấn đề tiến thoái lưỡng nan ObamaCare làm ảnh hưởng.

Bốn là, dù có nói tất cả những điều trên thì chắc chắn ông chủ Nhà Trắng sẽ không quên nhắc lại cho người dân Mỹ thấy được khả năng lèo lái con thuyền kinh tế của ông với các chỉ số ngày càng tích cực từ thị trường việc làm, tăng trưởng kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách… Chắc chắn ông cũng không quên đề cập chính sách đối ngoại của Mỹ, nhất là ở châu Á, Trung Đông, nơi mà chính quyền ông dường như “đặt cược” vào việc theo đuổi giải quyết một số vấn đề nóng hổi như Syria, Iran và đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Chúng ta cùng đón đợi bài phát biểu quan trọng này.

Theo TTXVN