Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, tỉnh ta cùng với việc chỉ đạo các ngành chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi vi phạm pháp luật... Đồng thời ngành Công Thương đã tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hỗ trợ một số doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa thiết yếu để bán bình ổn thị trường, không để thiếu, bảo đảm cung-cầu, hạn chế đến mức thấp nhất hàng hóa kém chất lượng “lưu hành”... Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh khó có thể “chặn đứng”, nhất là trong dịp Tết. Ngoài các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng gian lận còn có nguyên nhân xuất phát từ tâm lý của người tiêu dùng, đó là “ham” hàng giá rẻ và “chuộng” hàng ngoại nên hàng nhái, hàng giả... vẫn còn “chỗ đứng” trên thị trường. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng đó là công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, chưa phối hợp đồng bộ, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc vào cuộc để phòng, chống tình trạng nêu trên.
Người tiêu dùng chọn mua hàng thương hiệu Việt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ tại Siêu thị Thanh Hà.
Ảnh: Sơn Ngọc
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả thông qua việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả người tiêu dùng từ chính sách pháp luật, thanh kiểm tra xử lý vi phạm đến đạo đức kinh doanh và thay đổi thói quen tiêu dùng. Mặt khác, để tạo niềm tin của người tiêu dùng, nhất là trong việc “nói không” với hàng giả, hàng nhái... thì cần nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất nội địa, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sâu rộng trong nhân dân. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hạ Huyền