Lực lượng vũ trang tỉnh: Phát huy vai trò của người có uy tín trong các dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương

(NTO) Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 27 dân tộc sinh sống, có 249 thôn, làng, 140 khu phố. Ở mỗi thôn, làng, ở từng khu phố đều có những già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh đều phê duyệt danh sách những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc.

 Đó là những người được đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng, tín nhiệm, có kiến thức nhất định về một hay nhiều lĩnh vực, biết ứng xử và quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội; thường xuyên liên hệ với đồng bào, với cộng đồng dân cư, được đồng bào tìm đến để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề vướng mắc trong đời sống và các mối quan hệ, tranh thủ ý kiến về hướng khắc phục, giải quyết; là những người có khả năng tác động, chi phối, tập hợp đồng bào ở phạm vi nhất định bằng lời nói và hành động, bằng những quy ước của phong tục, tập quán dân tộc. Đó là những cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số đã nghỉ hưu; là trưởng thôn, trưởng các dòng họ; là chức sắc, chức việc các tôn giáo; những người có uy tín do làm kinh tế giỏi, thầy thuốc, lương y… thường giúp đỡ đồng bào trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của LLVT, góp phần phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ quóc phòng những năm qua cơ quan quân sự các cấp đã tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, tổ chức chính trị- xã hội, các lực lượng trên địa bàn khảo sát, quản lý về số lượng, chất lượng già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, góp phần để các già làng, trưởng thôn, người có uy tín nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương. Hàng năm, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho Hội đồng giáo dục quốc phòng- an ninh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các dân tộc và chức sắc, chức việc các tôn giáo. Nội dung bồi dường chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội gắn với củng cố quốc phòng- an ninh; quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch; các bộ luật, pháp lệnh của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhờ vậy đã phát huy tốt vai trò già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân” ở cơ sở.

Già làng, trưởng thôn, người có uy tín đã có ảnh hưởng tích cực trong việc vận động đồng bào các dân tộc tham gia phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, thực hiện các cuộc vận động ở cơ sở; bảo vệ trật tự an ninh thôn làng; thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên, bảo vệ công trình quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.