Gặp người đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

(NTO) Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tham gia tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng tại khu rừng Trần Hưng Đạo vào ngày 22-12-1944 cách đây 69 năm, đến nay chỉ còn lại duy nhất 1 người còn sống, đó là ông Tô Đình Cắm. Thời gian đã lùi xa, nhưng với người đội viên tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, ký ức về ngày lịch sử vẫn còn tươi rói như mới hôm qua.

Ra đi từ mái tranh nghèo

Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi về thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng thăm ông Tô Đình Cắm. Năm nay dù đã 91 tuổi nhưng ông Cắm vẫn còn khỏe, trí nhớ khá tốt. Sau cái bắt tay thật chặt và những lời hỏi thăm về sức khỏe, ông bắt đầu lần giở những hồi ức của đời mình.

“Tôi tên Tô Đình Cắm, người dân tộc Tày, sinh năm 1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Mồ côi cha từ lúc 3 tuổi, lớn lên vì căm ghét bọn giặc Pháp và lũ quan châu áp bức người dân nên năm 17 tuổi tôi đã trốn gia đình đi theo Việt Minh. Cuối năm 1944, tôi cùng 33 đồng chí khác được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với bí danh Tô Tiến Lực”.

 
Ông Tô Đình Cắm (mặc quân phục trắng)
trong dịp kỉ niệm 69 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Ông Cắm cho biết, buổi lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12-1944 ngoài 34 chiến sĩ, còn có đại biểu Liên khu Cao- Bắc-Lạng, ban khu, ban châu, tổng, xã và nhân dân địa phương. Khoảng 5 giờ chiều, buổi lễ tuyên thệ bắt đầu. Sau nghi lễ chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc chỉ thị thành lập đội. Các cán bộ, chiến sĩ cùng tuyên thệ dưới cờ, thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để đánh đuổi bọn Pháp-Nhật, giành tự do, độc lập cho nước nhà, không khí rất trang nghiêm và xúc động.

Hai ngày sau khi thành lập, ông cùng các đồng đội đánh đồn Phay Khắt và Nà Ngần. “Ở 2 trận đầu do yếu tố bí mật và ta giả trang quá khéo nên địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, hạ 2 đồn Pháp, mà ta không thiệt hại gì. Nhưng trận thứ 3 khi đánh đồn Đồng Mu ở xã Đồng Mu, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) ngày 4-2-1945 thì gặp rất nhiều khó khăn vì địch đã đề phòng, cảnh giác. Cuộc chiến đấu diễn ra từ nửa đêm đến sáng hôm sau vẫn chưa hạ được đồn, nên Ban chỉ huy ra lệnh rút lui. Dù không giành thắng lợi hoàn toàn nhưng ta cũng tiêu diệt được 20 tên địch, bắt sống 3 tù binh và thu 5 súng trường. Cũng tại trận đánh này, đồng chí Hoàng Văn Nhủng quê Hà Quảng, Cao Bằng, bí danh Xuân Trường đã hy sinh. Khi bị trúng đạn, chúng tôi chạy đến bế anh lên nhưng anh bảo: Các cậu lấy ngay súng của tôi và đánh tiếp, đừng lo cho tôi!... Nói xong anh tắt thở, anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, vẫn chưa lập gia đình, anh ấy là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam”. - Ông Cắm ngậm ngùi nhớ lại.

Sau trận đánh Đồng Mu, ông tiếp tục hoạt động ở vùng cao các huyện Nguyên Bình, Ngân Sơn, vừa vũ trang, vừa tuyên truyền và đánh chặn quân Nhật tại một số trận ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia giành chính quyền tại thị xã Bắc Kạn, thành lập chính quyền cách mạng ở Chợ Rã, Thạch Thông. 

Khi Pháp nổ súng trở lại xâm lược Việt Nam, ông tham gia đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở các chiến trường Bình Định, Kiên Giang. Trong một trận đánh, ông bị thương ở chân, phải ra miền Trung chữa trị, sau đó giải ngũ về quê. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ông xung phong tái ngũ, được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội pháo binh đến năm 1954, ông chính thức giải ngũ về quê tham gia công tác ở địa phương, làm đội trưởng đội thuế rồi chủ nhiệm hợp tác xã. Năm 1992, gia đình ông chuyển vào sinh sống tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng).

 
Ông Tô Đình Cắm (ngoài cùng bên phải) trong Chiến dịch biên giới 1950.

Kỷ niệm với Đại tướng

Là một trong những chiến sĩ đầu tiên của quân đội ta, ông Tô Đình Cắm có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông nhớ lại:

Năm 1942, Anh Văn về hoạt động ở xã Tam Kim. Anh Văn lúc ấy còn trẻ, nói chuyện rất hay, lại thông thạo phong tục, tập quán của đồng bào địa phương. Một hôm, tôi được đồng chí Nông Văn Lạc là liên lạc của Anh Văn dẫn tới gặp anh. Sau khi hỏi thăm, biết tôi mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại bị giặc Pháp đốt, anh rất xúc động. Anh dặn tôi phải hết sức giữ bí mật, mặc dù bây giờ quân Pháp đông, lại có nhiều súng đạn, nhưng chúng ta không sợ vì đã cách mạng. Khi thời cơ đến, quân và dân ta sẽ đánh đuổi bọn Pháp đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng.

Sau lần gặp ấy, ông nhiều lần được gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp, có đêm được ngủ chung cùng lán, nghe Anh Văn nói chuyện về đường lối kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 2-1944, khi tham gia lớp huấn luyện ở Phạ Phá, ông và các đội viên được đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp giảng dạy.

Sau buổi lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông không gặp lại người chỉ huy đầu tiên của mình. Tháng 7-2000, khi vào thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và biết ông Cắm sống cùng gia đình ở Lâm Đồng, Đại tướng đã đề nghị cơ quan quân sự địa phương bố trí phương tiện đưa ông xuống TP. Hồ Chí Minh. Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người lính năm xưa diễn ra vô cùng xúc động. “Sau cái ôm thật chặt, Đại tướng hỏi tôi bằng tiếng Tày: Tiến lực đấy à? Sau khi rời quân ngũ Tiến Lực làm gì? Cuộc sống bây giờ ra sao?...Tôi không cầm được nước mắt bởi 56 năm đã trôi qua mà Đại tướng vẫn còn nhớ bí danh của tôi, lại nói bằng tiếng Tày rất giỏi nữa…” -Ông Cắm bồi hồi nhớ lại.

Trước khi ra về, Đại tướng tặng ông chiếc áo ấm màu trắng, chiếc áo được ông lưu giữ như một báu vật. Chị Hoàng Thị Vận, con dâu của ông cho biết: “Khi nghe Đại tướng mất, bố tôi cứ ôm chiếc áo vào lòng rồi khóc, chẳng thiết ăn uống gì. Cụ muốn ra Hà Nội viếng đại tướng lắm nhưng vì sức khỏe yếu, không thể đi được, gia đình chỉ có thể lập bàn thờ rồi bái vọng thôi”

Thỏa nỗi ước mong

Hôm chúng tôi đến thăm ông đúng vào dịp diễn ra lễ bàn giao nhà tình nghĩa do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng xây tặng gia đình. Ngôi nhà rộng 120m2, gồm 4 phòng được thiết kế rộng rãi, đẹp mắt cùng đầy đủ tiện nghi đã được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên bàn thờ đặt ở phòng khách có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ trong buổi lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: “Cụ Tô Đình Cắm là nhân chứng quan trọng của lịch sử, người chiến sĩ ưu tú của quân đội, tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội học tập noi theo. Cùng với sự quan tâm thường xuyên về vật chất, tinh thần đối với cụ thời gian qua, ngôi nhà này một lần nữa thể hiện sự tri ân, quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với cụ Tô Đình Cắm-một trong những chiến sĩ đầu tiên của quân đội ta”

Anh Tô Đức Tuân, người con trai thứ tư của ông Cắm cho biết, năm 2001, gia đình đã được Nhà nước xây tặng nhà tình nghĩa nhưng qua 12 năm sử dụng, ngôi nhà đã hư hỏng, xuống cấp nhiều. Vợ chồng anh quanh năm chỉ làm ruộng, lại phải nuôi 2 con ăn học nên không có điều kiện xây nhà mới. Hôm nay được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền địa phương tặng nhà mới, gia đình rất mừng. Riêng ông Cắm cười tươi nói: “Được ở trong nhà mới cũng vui, nhưng vui nhất là từ nay mình đã có nơi rộng rãi, khang trang để thờ tổ tiên, thờ Bác Hồ, Anh Văn và các đồng chí đồng đội…”.

Rồi ông bước tới trước bàn thờ, bật lửa đốt hương, thành kính vái trước những di ảnh. Trong làn khói mờ ảo và hương trầm thoang thoảng, ánh mắt của người lính già như đang nhìn vào cõi xa xăm, hình như ông đang nói chuyện với vị chỉ huy và những đồng đội cũ của mình…