Qua 2 năm triển khai chiến lược TGPL, đã đạt được những thành quả nhất định. Lần đầu tiên, trong một lĩnh vực của ngành Tư pháp đã có văn bản có tính định hướng lớn dài hạn, tạo sự chuyển biến toàn diện trong công tác TGPL. Chiến lược đã xác định các quan điểm phát triển đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và bản chất của công tác TGPL. Phần lớn các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
Lãnh đạo các cơ quan Tư pháp tỉnh ta tham dự hội nghị trực tuyến
Thông qua thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược, công tác TGPL đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội. Công tác TGPL có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện pháp luật để đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong công tác này. Đồng thời, công tác TGPL cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc bảo vệ nhân quyền, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới. Nhận thức của cán bộ ở các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TGPL đã có chuyển biến nên có sự chỉ đạo sát sao hơn, quan tâm đầu tư, hỗ trợ và bảo đảm về con người và kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác TGPL, tạo sự gắn kết công tác TGPL với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các vụ việc TGPL tăng về số lượng và ngày càng bảo đảm về chất lượng, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu TGPL ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp của người dân, giải tỏa vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật.
Nhiệm vụ trọng tâm từ đây đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hoạt động TGPL cần tập trung chủ yếu vào cung cấp vụ việc TGPL, nhất là các vụ tham gia tố tụng. Hàng năm, Chính phủ phê duyệt ngân sách cấp cho hoạt động TGPL đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đảm bảo nhóm yếu thế trong xã hội được tiếp cận pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Nghiên cứu quy mô hệ thống TGPL nhà nước phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương. Bảo đảm tính ổn định, bền vững, quyền tiếp cận và hưởng TGPL cho mọi công dân đủ điều kiện, nâng cao chất lượng hoạt động TGPL nói chung và chất lượng vụ việc TGPL nói riêng.
Xuân Bính