Gia tăng quan hệ đối tác
Năm 2013 là năm Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI và đã đạt được những thành công toàn diện về hội nhập quốc tế bao gồm cả kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và văn hóa xã hội… tạo cơ sở cho định hướng và giải pháp thúc đẩy chủ động hội nhập quốc tế cho năm 2014 và tầm nhìn đến năm 2020.
Năm 2013, lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Ảnh minh hoạ: BTK
Năm 2013, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 quốc gia và Đối tác toàn diện với 2 quốc gia. Trong đó, đã bao gồm toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước khác.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hơn 30 chuyến thăm cấp cao đến các nước lớn có vị thế khu vực và toàn cầu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, một số nước là thành viên EU… đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ đến các mối quan hệ chính trị, kinh tế, xây dựng lòng tin để cùng nhau giải quyết các vấn đề “nóng” của khu vực và thế giới.
Cho đến nay, Việt Nam cũng đã thiết lập kênh đối thoại quốc phòng với 12 quốc gia (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn, Singapore, Australia, Pháp, Malaysia, Indonesia, Brunei) và đã tiến hành 32 phiên đối thoại. Trong đó, Việt Nam - Ấn Độ có số lần đối thoại cao nhất là 8 phiên; thiết lập kênh đối thoại quốc phòng lần đầu tiên với 5 nước khác. Đối thoại quốc phòng với các nước đã giúp Việt Nam và các bên đối thoại tăng cường hiểu biết lẫn nhau và đã đạt được những đồng thuận trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán với các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực như: đàm phán với hai Hiệp định kinh tế lớn (TPP, RCEP) và FTA với các quốc gia, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan); Khối thương mại tự do (EFTA) gồm (Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện công tác chuẩn bị cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN và năm 2015.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI và ODA vào Việt Nam cũng tiếp tục gia tăng với mức cao. Theo số liệu thống kê cho thấy, năm 2013 Việt Nam đã thu hút được 21,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn ODA năm 2013 cũng đạt trên 7 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2012.
Chủ động và trách nhiệm
Việt Nam đã chính thức tuyên bố thực hiện cam kết gửi quân tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và sẵn sàng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực “phi tác chiến” theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Với uy tín ngày càng tăng, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO. Việt Nam còn được các nước ủng hộ đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
Việt Nam cũng đã đạt được những thành công lớn trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Những bài phát biểu của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các diễn đàn đã được dư luận đánh giá cao. “Lòng tin chiến lược” do Việt Nam đề xuất không chỉ có ý nghĩa tại Diễn đàn Shangri-La 12, mà nó có sức lan tỏa trong khu vực và trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong quan hệ quốc tế song phương cũng như đa phương trong năm 2013 góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, “năm 2013 là một năm thành công trong hoạt động đối ngoại trên mọi lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế. Trên bình diện song phương, Việt Nam đã thiết lập được khuôn khổ hợp tác với hầu hết các đối tác lớn trên thế giới”.
Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, Việt Nam - Trung Quốc đã ký hợp tác biên giới giữa hai bên, với bản Thỏa thuận gồm: 2 phần, 9 điều và phụ lục kèm theo, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu, 6 giải pháp cụ thể, hoàn thiện và đưa vào thực hiện 3 văn kiện quản lý biên giới trên bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội hai nước. Việt Nam cũng đã hoàn tất đường biên giới với Lào, hoàn thành 80% đường biên giới với Campuchia.
Đồng chí Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng chính phủ cũng cho rằng: “Chúng ta phấn đấu duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông. Một mặt chúng ta kiên trì bảo vệ chủ quyền trên biển. Mặt khác, nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phàn với các nước. Một kết quả quan trọng là việc đàm phán để hình thành bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã được khởi động”.
Như vậy, với những kết quả tích cực đạt được năm 2013, năm 2014 Việt Nam tiếp tục triển khai chủ trương hội nhập quốc tế và chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, bạn bè truyền thống, trên cơ sở đó thực hiện tốt các hoạt động theo hướng chủ động hội nhập kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam