Ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 12/2013

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 12/2013, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật gồm 19 Nghị định của Chính phủ và 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.

Theo Nghị định, hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân cung ứng suất ăn ca cho công nhân được miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) năm 2013 và 2014. Doanh nghiệp được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp phát sinh năm 2013 và 2014 đối với hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân (trừ hoạt động cung ứng suất ăn cho doanh nghiệp vận tải, hàng không, hoạt động kinh doanh khác).

* Ngày 09/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo Nghị định, các giải pháp về xử lý nợ phải được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp để có nguồn trả nợ nhằm lành mạnh hóa và ổn định lâu dài tình hình tài chính doanh nghiệp theo nguyên tắc nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ (bao gồm các khoản nợ phải thu, nợ phải trả); xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, kế toán trưởng, cá nhân khác có liên quan trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ tồn đọng theo quy định của Nghị định này.

Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ; trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ giải quyết.

* Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ ban hành Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013.

Theo đó, các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT gồm: (1) Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác; (2) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam; (3) Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán tài sản; (4) Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã; (5) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng.

* Ngày 26/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 22% sẽ chính thức được áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01/01/2016. Đồng thời, từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm xuống còn 17%. Riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (bao gồm cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng là 20%.

* Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013.

Theo Nghị định này, nhà đầu tư khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân được ưu tiên trước xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

Nghị định quy định cụ thể các ưu đãi của Nhà nước về đất đai cho cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động được hưởng hỗ trợ đầu tư của Nhà nước gồm: Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, cây mắc ca (macadamia); nuôi trồng hải sản trên biển;...

* Cũng trong tháng 12, Chính phủ ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Nghị định quy định: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật Phòng, chống tham nhũng về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng.

* Ngày 31/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán và các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán; các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp; các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

* Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới quy định: Nghiêm cấm nhập thiết bị cũ, lạc hậu đối với các nhà máy điện có công suất tổ máy nằm ngoài quy định tại Quyết định này; việc cấp phép xây dựng đối với các nhà máy điện này do các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt theo từng dự án cụ thể.

Đối với nhóm thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp, kể từ ngày 01/01/2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Kể từ sau ngày Quyết định này có hiệu lực, không được phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy nhiệt điện phát điện bằng than, khí đốt có hiệu suất thấp hơn hiệu suất tối thiểu quy định tại Quyết định này.

Toàn bộ Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng tháng đều được đăng tải toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Nguồn Chinhphu.vn