Bế mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 15-1, sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 24.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, qua 3 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, trao đổi thẳng thắn, phiên họp thứ 24 đã hoàn thành tốt nội dung đề ra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, công việc trong thời gian tới khá nhiều, vì vậy các Ủy ban và Hội đồng của Quốc hội cần rà soát nội dung công việc, chuẩn bị kỹ nội dung, thời gian chu đáo cho các Phiên họp và Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sắp tới bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra.

Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) tại Tòa án nhân dân.

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), việc ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại TAND nhằm tạo cơ sở pháp lý để Tòa án áp dụng trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC là hết sức cần thiết và là điều kiện bắt buộc để Tòa án có thể thực hiện nhiệm vụ mới theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 42 điều quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng BPXLHC đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng BPXLHC còn lại.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện cho biết: Về cơ bản, Thường trực UBTP tán thành với các quan điểm chỉ đạo và các yêu cầu của việc soạn thảo Pháp lệnh được nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, theo ông Hiện, một vấn đề đáng lưu ý là, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại TAND mang tính chất đặc thù, không phải là quyết định hành chính đơn thuần, vì vậy dự thảo Pháp lệnh cần đảm bảo quy định được tính đặc thù này, khắc phục các hạn chế trước đây.

Tại phiên họp, quy định việc tham gia của đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC tại Tòa án nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đó, nhiều ý kiến Thường trực UBTP đề nghị cân nhắc không quy định VKS có thẩm quyền kiểm sát việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC, bởi vì theo quy định của Hiến pháp thì Viện Kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong khi hoạt động này không phải là hoạt động tư pháp, xét xử như đối với các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính.... Mặt khác, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC do các cơ quan hành chính (được quy định tại các Điều 99, 101, 103 Luật XLVPHC) thực hiện, Viện Kiểm sát không kiểm sát việc lập hồ sơ như đối với các vụ án; tại phiên họp, đương sự (luật sư, nếu có) chỉ tranh luận với đại diện cơ quan công an cấp huyện đề nghị áp dụng BPXLHC chứ không tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng trước hết cần xác định cá nhân vi phạm an ninh trật tự hành chính không phải là tội phạm. Nếu nói Viện kiểm sát tham gia kiểm sát thì cần phải cân nhắc kỹ có nên tham gia hay không?. Bởi, theo quan điểm của ông Thể, nếu chỉ quy định được quyền kiến nghị mà không được quyền kháng nghị thì “không giải quyết được vấn đề gì”.

Phân tích đối tượng áp dụng Pháp lệnh này mặc dù là các đối tượng chưa thành niên nhưng cũng có không ít thành phần nguy hiểm, nhiều tiền án, tiền sự, vì vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý rất cần Viện Kiểm sát tham gia và cho ý kiến về quyết định áp dụng các BPXLHC của Tòa án. Theo đó, không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tại phiên họp mà còn phải phát biểu quan điểm về việc giải quyết hồ sơ đề nghị áp dụng BPXLHC. “Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên sẽ giúp cho Thẩm phán có thêm thông tin để cân nhắc, đưa ra quyết định có căn cứ, chính xác và đúng pháp luật”, ông Lý nói.

Về phía TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Sơn nêu rõ, sự tham gia của Viện kiểm sát tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại Tòa án là phù hợp. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc quy định Kiểm sát viên chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC của Thẩm phán, việc chấp hành pháp luật của người bị đề nghị áp dụng BPXLHC hoặc đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, kể từ khi Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị cho đến trước thời điểm Thẩm phán kết luận phiên họp mà không phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về giải quyết hồ sơ đề nghị vừa bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, vừa bảo đảm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán khi đưa ra quyết định.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cũng đánh giá tiến độ trình Pháp lệnh lên UBTVQH là quá chậm trễ, làm ảnh hưởng tới việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính .

Theo Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính” quy định: Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, các quyết định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2014.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam