Ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới

Tiếp tục Phiên họp thứ 24, sáng ngày 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án dở dang có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 - 2015 và dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, việc bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án được thực hiện theo thứ tự ưu tiên.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, bổ sung vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án còn thiếu vốn dưới 100 tỷ đồng trên một dự án; bổ sung cho các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30/12/2013 nhưng còn thiếu vốn; bổ sung đủ vốn theo tiến độ cho một số dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, y tế có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền để sớm đưa vào sử dụng; bổ sung vốn cho Đường tuần tra biên giới giai đoạn 2; bổ sung vốn cho dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; bổ sung vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2014 và 2015.

Theo đó, dự kiến tổng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung cho các dự án dở dang là 73.320 tỷ đồng. Trong đó, 66.720 tỷ đồng cho dự án của các bộ, ngành, địa phương gồm 729 dự án; 6.600 tỷ đồng cho dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu. Lĩnh vực giao thông được bố trí vốn nhiều nhất với hơn 32.000 tỷ đồng. Bộ Quốc phòng được bố trí 1.500 tỷ đồng vốn trái phiếu bổ sung cho các dự án giao thông; riêng dự án Đường tuần tra biên giới giai đoạn 2 được đề nghị bố trí 1.000 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày nêu rõ, đa số các ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ là bố trí 1.000 tỷ đồng cho dự án Đường tuần tra biên giới giai đoạn 2. Tuy nhiên, do dự án này chưa được phê duyệt nên đề nghị UBTVQH giao Chính phủ phân bổ số vốn cụ thể cho từng dự án sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 483/Ttr-CP ngày 19/11/2013, UBTVQH đã đồng ý bố trí 1.500 tỷ đồng cho các dự án này. Mặt khác, đây là dự án cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong bối cảnh chính trị khu vực đang diễn biến khó lường. Do đó, đề nghị Chính phủ bố trí đủ 1.500 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng đầu tư cho đường tuần tra biên giới giai đoạn 2.

Thảo luận tại Phiên họp, hầu hết các ý kiến phát biểu đều rất quan tâm, ủng hộ việc bổ sung vốn để đẩy mạnh thi công đường tuần tra biên giới. Đặc biệt, UBTVQH đã quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ cắt giảm vốn dự phòng của một dự án khác để bổ sung cho dự án đường tuần tra biên giới khi cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt tới dự án đường tuần tra biên giới. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, toàn bộ phía Tây Nam nếu chưa có đường tuần tra biên giới thì phải làm sớm. Tuy nhiên, đường Trường Sơn Đông cũng rất quan trọng, không nên cắt giảm vốn cho con đường này. Dự án luồng Sông Hậu dự phòng hơn 5.000 tỷ đồng, có thể cắt khoảng 600 tỷ đồng cho đường tuần tra biên giới – Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết thúc nội dung họp, cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016, UBTVQH đã quyết định bổ sung 500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án Đường tuần tra biên giới.

Cũng trong Phiên họp sáng 15-1, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về đối tượng áp dụng Luật này. Đa số tán thành quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, hợp tác xã như Dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng các đối tượng khác như: Cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh, các cơ sở đào tạo.

Về chế định Quản tài viên - một vấn đề đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Luật Phá sản hiện hành đã quy định Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành Luật, chế định này còn nhiều bất cập. Ủy ban Kinh tế xin đề nghị quy định Thẩm phán chỉ định một Quản tài viên thực hiện việc quản lý tài sản. Quản tài viên này có quyền thuê cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính phủ sẽ rà soát lại đội ngũ luật sư, kiểm toán viên… có kinh nghiệm để đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên ngay sau khi Luật Phá sản được thông qua để đảm bảo khi Luật có hiệu lực thi hành thì có đội ngũ Quản tài viên”.

Tại Phiên họp, các thành viên của UBTVQH đã cho ý kiến về chế định Quản tài viên; về thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng; thẩm quyền của tòa án; quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; về bù trừ nghĩa vụ.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam