Xuân xanh trên vùng cao Ma Nới

(NTO) 15 km đường nhựa từ Quốc lộ 27 vào xã Ma Nới (Ninh Sơn) là một trải nghiệm của sự thay đổi nhiệt độ khiến những ai lần đầu đặt chân tới đây dễ có cảm giác bị lạc đến một vùng ôn đới. Từng tán rừng lấp lánh dưới nắng vàng buổi sáng, tiếng leng keng lục lạc của đàn bò quyện trong chút se lạnh nơi núi non ẩn hiện sương mờ.

Ngói đỏ thấp thoáng dưới những tán cây, xa xa là đồng lúa xanh mướt xen lẫn những rẫy bắp đang vàng. Đây rồi! Thung lũng Ma Nới – xứ sở của những giấc mơ Cha-pi.

Một góc thung lũng Ma Nới.

Xuân về Ma Nới xanh tươi đầy sức sống. Từ những cánh đồng lúa mới đương thì con gái, thân lúa căng tròn ấp ôm bao ước vọng nông dân, hứa hẹn sẽ cho những bông trĩu hạt, đến những vạt rừng vừa thay lá, bao chồi non mở mắt đón nắng, đâu đó còn vài ba chiếc lá đỏ treo nghiêng trên cành như những nụ cười chào đón lữ khách đến thăm.

Từng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Ma Nới (chiến khu Anh Dũng) hôm nay bình yên nép mình sau những rặng núi. Đời sống bà con Raglai nơi đây tuy còn nhiều khó khăn nhưng diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế ổn định hơn trước, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đồng chí Cà Mau Hiền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Những năm gần đây, địa phương nhận được nhiều sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn,… đã tạo nhiều thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp. Để nâng cao chất lượng sản xuất, xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay thế phương thức du canh, du cư bằng thực hiện thâm canh, luân canh, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Tổng giá trị sản xuất năm 2013 đạt trên 35 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 cũng giảm xuống còn 53% (giảm 5,9% so với năm 2012).

Đội ngũ cán bộ y tế xã Ma Nới (Ninh Sơn) thực hiện hiệu quả
công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương. Ảnh: Văn Miên

Các tộc trưởng, già làng ở Ma Nới vẫn chưa quên những tháng ngày đợi nước trời để “chọc lỗ, trỉa hạt”, sống dựa vào cây bắp đá và củ mì. Chính những con người đã bám trụ với thung lũng này vượt qua bao thăng trầm, vất vả khó nhọc mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa, giá trị của sự đổi thay từng ngày trên quê hương cách mạng. Hôm nay, Ma Nới đã có những đồng lúa, bắp lai, đậu xanh,… cho sản lượng cao. Tổng diện tích lúa nước toàn xã trên 160 ha (năng suất bình quân 50 tạ/ha), trên 700 ha bắp lai và hơn 100 ha bắp địa phương cho tổng sản lượng gần 4.000 tấn/năm. Ngoài ra, nông dân Ma Nới đã tận dụng lợi thế đồng cỏ dồi dào để đầu tư phát triển chăn nuôi, với tổng đàn bò toàn xã gần 1.700 con. Lòng người nông dân Ma Nới không chỉ vui niềm vui được mùa, được no cơm ấm áo mà còn vui vì kết cấu hạ tầng nông thôn mới được kiên cố, bê tông từ trong xóm nhỏ ra tận ruộng đồng. Khoảng 70% đường nội thôn không phải chịu cảnh lầy lội khi trời mưa; máy cày, máy gặt đập liên hợp, xe tải đã có thể bon bon chạy ra tận ruộng lúa, rẫy bắp, rẫy mì. Nơi con suối chảy ngang qua đường, các đập tràn cũng đã được xây dựng và nâng cấp, tu sửa thường xuyên. Không lâu nữa, hệ thống nước suối tự chảy sẽ được thay thế bằng nguồn nước máy sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con.

Học sinh  Trường Tiểu học Ma Nới được học tập trong cơ sở giáo dục khang trang>
 

Cùng với những chuyển biến trong kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội của bà con Raglai nơi đây cũng được quan tâm. Chất lượng giáo dục được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, địa phương luôn quan tâm bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc Raglai, từ các nhạc cụ dân tộc, những điệu múa, điệu hát, đến các nghi lễ sinh hoạt cộng đồng,… Xã cũng đang tập hợp các nghệ nhân, biên soạn giáo trình để khôi phục nghề đan lát truyền thống của bà con nơi đây.

Sinh ra ở núi rừng, lớn lên nhờ rừng, với người dân Ma Nới, bảo vệ màu xanh của rừng cũng như bảo vệ bình yên xóm làng. Từ những năm đầu đổi mới, bà con đã mạnh dạn nhận khoán bảo vệ rừng, trồng mới rừng, đến nay, người dân tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp đó bằng việc nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ của Ma Nới không vào rừng khai thác lâm sản trái phép, không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Điều đó nay đã được cụ thể hóa trong quy ước của mỗi tộc họ. Rừng núi bao quanh mảnh đất này như những vòng ôm bảo vệ, chở che, và con người, đến lượt mình, cũng góp sức bảo vệ “người mẹ” lớn của dân làng.

Phụ nữ xã Ma Nới địu con đi chợ mua sắm hàng hóa tiêu dùng trong dịp tết .
Ảnh: Sơn Ngọc

Hoa rừng nở từng chùm vàng tươi, mấy chú chim líu ríu. Nghe xa xa, tiếng Cha-pi trầm ấm, tròn trịa như lòng người Raglai, như đong đầy nụ cười em thơ trên đường đến lớp, mang bao ước vọng tươi xinh.