Mùa xuân thăm gia đình hiếu học Chamaléa Tiến

(NTO) Chúng tôi lên Phước Thành vào những ngày cuối năm Quý Tỵ, núi rừng Bác Ái và bà con thôn Ma Nai dường như vẫn chưa vơi niềm tự hào về một gia đình hiếu học được ra thủ đô, vào lăng viếng Bác Hồ…

Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con trong thôn, chúng tôi tìm đến gia đình ông Chamaléa Tiến, khi nhà đang quây quần đông đủ nghe ông kể chuyện “thủ đô”. Trời Bác Ái cuối năm mưa phùn se lạnh càng dễ cảm nhận hơn không khí ấm áp của gia đình. Tay nâng niu, lật qua từng tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc của những ngày ở Hà Nội, niềm xúc động hiện rõ trên nét mặt người đàn ông Raglay…

Cả gia đình quây quần nghe ông Tiến kể chuyện thủ đô Hà Nội.

Ông Chamaléa Tiến là một trong những đại biểu gia đình hiếu học của tỉnh tham dự Đại hội “Thi đua và biểu dương phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học toàn quốc” lần thứ III, năm 2013. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông nhắc lại những lời căn dặn của đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi gặp mặt các gia đình hiếu học tiêu biểu của cả nước: Đồng chí Chủ tịch nước dặn, khi trở về địa phương, phải đem niềm vinh dự, tự hào được ra Hà Nội, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ với bà con; phải tiếp tục tuyên truyền, để bà con Raglai ai cũng thấy được vai trò, ý nghĩa to lớn của việc học để con em Raglai cùng với các dân tộc anh em khác ra sức học tập, hiến kế xây dựng quê hương, Tổ quốc giàu đẹp. Những lời dặn ấy tôi sẽ luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt.

Cũng trong lần ra Hà Nội dự Đại hội vừa qua, ông Chamaléa Tiến đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều gia đình hiếu học là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các địa phương khác nhau trên mọi miền đất nước… “Bà con dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… nhiều gia đình cũng nghèo khổ, khó hơn cả người Raglai mình, nhưng họ vẫn quyết tâm cho con em học tập, để trở thành những cô giáo, kỹ sư… đem cái chữ về làm giàu cho dân làng…” – Ông Tiến chia sẻ.

Gia đình ông Chamaléa Tiến, bà Chamaléa Thị Nhâm, sinh được 4 người con. Con trai đầu là Chamaléa Thiên, hiện là bác sĩ đa khoa, Bí thư Chi bộ thôn Núi Rây, Trưởng trạm y tế xã Phước Chính (Bác Ái). Con trai thứ 2 là Chamaléa Nhiên, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã, quyền Chủ tịch UBND xã Phước Thành. Con gái Chamaléa Thị Khuyên, tốt nghiệp Trung cấp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, hiện là giáo viên Trường TH Phước Thành A và đang tiếp tục theo học đại học hệ tại chức. Con trai út Chamaléa Hoan, hiện là sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học An ninh nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh.

Các con đều trưởng thành và làm việc trên chính quê hương của mình- đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với những người lam cha, làm mẹ như ông Tiến, bà Nhâm. Càng hạnh phúc, tự hào hơn khi niềm vui, hạnh phúc ấy được gây dựng nên từ muôn vàn khó khăn, thử thách đặt ra cho gia đình ông khi phải nuôi dạy con trong những ngày thiếu ăn, thiếu mặc… Ông Tiến kể, ngày vợ chồng lấy nhau ông bà chỉ có bàn tay trắng; chỉ “bập bõm” được đôi ba con chữ, rồi lên rẫy trỉa bắp, trồng mỳ… Năm 1977, gia đình ông và những gia đình đồng bào Raglay khác được Nhà nước vận động, tạo điều kiện về sống định cư tại thôn Ma Nai bây giờ. Được cán bộ hướng dẫn trồng lúa nước, nuôi heo, chăn bò để làm kinh tế… nhưng vì chữ nghĩa ít, kiến thức hạn hẹp, lại không dám hỏi… nên bà con phải mất nhiều thời gian để học và làm theo. Câu chuyện từ bản thân chính là động lực và cũng trở thành lời khuyên răn để ông Tiến và vợ động viên các con cùng đi học.

Gia đình ông Chamaléa Tiến hôm nay đã có của ăn của để. Ông hiện là Chủ tịch HĐND xã Phước Thành, bà Chamaléa Thị Nhâm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Ông bà đã có 5 cháu nội, ngoại. Tất cả các thành viên trong gia đình là cán bộ xã, bác sĩ, cô giáo… đều trở thành những tuyên truyền viên tích cực của phong trào khuyến học khuyến tài. Gia đình ông vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học.

“Người Raglai mình hôm nay đã thay đổi nhận thức, biết quan tâm, động viên con em mình học tập. Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập tốt hơn, nhờ đó người Raglay nói chung và ở Phước Thành nói riêng ngày càng có nhiều con em tốt nghiệp đại học, học sinh đi học đều hơn, bỏ học ít hơn… đó là một niềm vui lớn….”- Ông Chamaléa Tiến nói như chia sẻ cảm xúc khi tiễn chúng tôi.