Đánh giá về kết quả sau một năm rưỡi triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiệu quả rõ nét nhất ở tất cả 30 trường TH là chất lượng giáo dục được nâng lên và HS tự tin, chủ động hơn trong học tập cũng như giao tiếp. GV cũng đang từng bước thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy.
Cô giáo Phạm Thị Huyền, Trường TH Lạc Tiến hướng dẫn học sinh lớp 3A học tập theo mô hình VNEN.
Được sự giới thiệu của cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng, Trường TH Lạc Tiến, xã Cà Ná (Thuận Nam) chúng tôi về dự giờ thăm lớp 3A, một trong những lớp đang triển khai dạy học theo mô hình VNEN của trường. Vừa thấy khách lạ đến thăm, “Ban đối ngoại” của lớp đã nhanh chóng triển khai cho lớp đứng chào mừng. Lớp được quản lý bởi “Hội đồng tự quản HS”, người đứng đầu là “Chủ tịch hội đồng”. Tiếp đến là các “phó chủ tịch” và các “ban” bao gồm: văn nghệ - thể dục thể thao, đối ngoại, nề nếp, sức khỏe, quyền lợi HS… Chủ tịch, phó chủ tịch và các trưởng ban do HS tự nguyện xung phong và được cả lớp tín nhiệm bầu chọn. Bàn ghế trong lớp được sắp xếp cho HS ngồi học theo nhóm. Lớp học được trang trí thân thiện, đẹp mắt bao gồm các góc học tập, thư viện, hòm thư cá nhân… Cô giáo Phạm Thị Huyền, GV chủ nhiệm lớp 3A cho biết: Việc trang trí lớp học không chỉ là để cho “đẹp mắt”, bởi mỗi gốc trang trí, mỗi bức tranh đều có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động giáo dục. Đồng thời cũng tạo cơ hội cho tất cả HS trong lớp tham gia làm việc, giúp các em phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự giác và sự sáng tạo của bản thân. Lúc đầu, nhiều em còn rụt rè nhưng dần quen thì đều rất thích thú và hào hứng… nhờ đó, không còn tình trạng HS thụ động, nhút nhát, ít tham gia vào các hoạt động tập thể.
Với nguyên tắc “lấy HS làm trung tâm”, GV chỉ là người giao việc và tổ chức các hoạt động học tập sau đó tư vấn, giám sát. HS tự thảo luận theo nhóm, phân công nhiệm vụ cho nhau và gặp vấn đề khó không giải đáp được mới yêu cầu sự trợ giúp bằng thẻ cứu trợ. Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng, Trường TH Lạc Tiến chia sẻ: “Nhà trường hiện có 5 lớp với 126 HS thuộc khối 3 và 4 được tổ chức dạy học theo mô hình VNEN. Không chỉ GV, HS mà ngay cả phụ huynh đều rất ủng hộ, hào hứng tham gia vào mô hình. Mỗi tiết học đều diễn ra sôi nổi, thoải mái, HS trở nên năng động, mạnh dạn và tích cực hơn cả trong học tập cũng như các hoạt động tập thể ở trường.
Đến thăm Trường TH Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), chúng tôi cũng nhận được những tín hiệu vui tương tự về mô hình VNEN. Trường có 6 lớp thuộc các khối 2, 3 và 4 dạy học theo mô hình VNEN, trong đó 2 lớp 3 và 2 lớp 4 đã bước vào năm thứ 2. Thầy giáo Thiên Quả, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: HS của trường trên 90% là con em dân tộc Chăm nên bước đầu gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ. Đa số HS rụt rè, nhưng chỉ sau vài tháng triển khai, các em đã thay đổi rõ nét: tích cực, chủ động, ý thức tự giác cao hơn; tập thói quen tự suy nghĩ, thảo luận, học nhóm.
Có thể nói, phương pháp dạy học theo mô hình VNEN như đang thổi một làn gió mới vào các lớp học, đặc biệt là ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đông HS đồng bào dân tộc thiểu số. Cả GV và HS đều như thoát khỏi những giờ học căng thẳng, mệt mỏi mà thay vào đó là những giây phút thảo luận sôi nổi; HS có thể nói chuyện, trao đổi bài với bạn, với GV thường xuyên, cộng với các hoạt động giáo dục trong lớp đã tạo nên bầu không khí vui tươi, hào hứng.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, để mô hình VNEN thật sự phát huy được hiệu quả, vai trò của GV hết sức quan trọng. Đó phải là những người thật sự tâm huyết với hoạt động dạy học, mạnh dạn phản biện, biết dẫn dắt HS khám phá, chinh phục kiến thức kỹ năng mới; có bản lĩnh điều chỉnh nội dung, phương pháp để nâng cao hiệu quả quá trình dạy học và dám chịu trách nhiệm về kết quả học tập của HS mình. GV không chỉ thay đổi với kĩ năng, phương pháp dạy học mà trước hết phải đổi mới về tư duy, nhận thức. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng GV; tăng cường kiểm tra, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường đang triển khai thực hiện để phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Bích Thủy