Đánh giá kết quả thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 258), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết: Đề án đã có tác động mạnh mẽ, hoạt động giám định tư pháp có bước phát triển nhiều mặt, nâng cao hiệu quả đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng và yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Nợ đọng nhiều văn bản
Tuy nhiên việc triển khai Đề án vẫn còn những tồn tại. Nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành chậm, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giám định. Theo kế hoạch mỗi bộ quản lý chuyên ngành phải ban hành tối thiểu 3 thông tư. Tuy nhiên mới chỉ có 7 bộ ban hành 42 văn bản, còn một lượng lớn văn bản nợ đọng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm một phần do quy định chi tiết xây dựng các thông tư đòi hỏi chuyên môn sâu, cần thời gian nghiên cứu, một phần do kinh phí chi cho hoạt động này còn hạn chế.
Cũng về vấn đề này, đại diện Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho hay, Bộ đã xây dựng xong dự thảo Thông tư quy định chi tiết bổ nhiệm miễn nhiệm giám định viên tư pháp, tuy nhiên hiện vẫn đang chờ ý kiến của các bộ liên quan.
Cũng theo đại diện Viện này, Bộ Công an đã xây dựng các quy trình giám định hình sự pháp y tiêu chuẩn quốc gia, năm 2013 đã xây dựng xong 30 tiêu chuẩn quốc gia về quy trình giám định tư pháp, năm 2014 sẽ hoàn thành thêm 20 quy trình còn lại.
Tuyển dụng khó khăn
Đại diện Viện Pháp y quốc gia băn khoăn nêu thực trạng nhiều giám định viên chuẩn bị nghỉ hưu, nhưng trong suốt 8 năm qua Viện chỉ tuyển được 1 bác sĩ nữ. Còn bác sĩ nam tuyệt nhiên không ai về. Với quy định vừa được Bộ LĐTBXH đưa ra gần đây là lao động nữ không làm công việc tử thi, thì đây là một thách thức cho công tác nhân sự của Viện.
Cùng quan điểm này, đại diện TPHCM, một địa phương có nhu cầu giám định tư pháp lớn cho biết, giai đoạn 2008-2009 phần lớn giám định viên không yên tâm làm việc. Ban chỉ đạo cải cách giám định tư pháp của Thành phố đã tập trung giải quyết những vướng mắc, tuy nhiên đến nay cũng chỉ bổ sung được 64 giám định viên, nâng tổng số lên 226 giám định viên. So với thực tế thì chưa đáp ứng được nhu cầu và phần lớn số giám định viên hiện nay vẫn kiêm nhiệm.
Cũng theo đại diện TPHCM, đa số không ai muốn làm nghề giám định viên, mặc dù hiện nay một số chính sách cho đối tượng này đã tốt hơn trước.
Chia sẻ về chính sách tài chính cho hoạt động giám định tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, dù ngân sách còn khó khăn nhưng trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, kinh phí cho lĩnh vực này Bộ Tài chính chưa bao giờ cắt giảm. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận khó khăn trong xây dựng thu phí, hiện Nghị định ban hành chi phí giám định hiện đang được xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua trong tháng 5 /2014.
Giải quyết 2 tồn tại
Phát biểu và chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra 2 tồn tại: Theo đó nhận thức của toàn xã hội về công tác giám định pháp y chưa rõ nên số người tham gia công việc này còn hạn chế. Bên cạnh đó là vấn đề nợ văn bản, dẫn tới nhiều chủ trương, chính sách chưa được đưa vào áp dụng. Phó Thủ tướng yêu cầu các UBND các địa phương, các bộ ngành cần quan tâm đúng mức vấn đề này.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chưa thành lập tổ chức giám định pháp y theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm thành lập để bảo đảm hoạt động giám định tư pháp đáp ứng nhu cầu của hoạt động tố tụng.
Theo Phó Thủ tướng, luật đã cho phép xã hội hoá công tác giám định, do đó các bộ, địa phương cần xem xét xã hội hoá. Trong đó cần làm rõ phần nào nhà nước đảm trách để nhà nước làm, phần nào có thể xã hội hoá được nên cho phép xã hội hoá. Bộ Tư pháp phân cấp vấn đề này.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, năm 2014 mỗi thành viên Ban chỉ đạo cần tích cực chủ động hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công, sớm ban hành các quy chuẩn ngành, các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, chủ động rà soát, kiện toàn đội ngũ giám định viên đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất; khẩn trương thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/2014/QĐ-TTG ngày 1/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Nguồn www.chinhphu.vn