Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó và những kết quả ngành Nông nghiệp đạt được trong năm 2013; khẳng định, những kết quả mà ngành đạt được là khá toàn diện, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.
Khái quát những kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành Nông nghiệp cần quan tâm khắc khắc phục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ chính của ngành trong năm 2014.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên được Thủ tướng đề cập là, tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, phát triển giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, đây là 2 vấn đề gắn kết chặt chẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, quan tâm đề ra cơ chế, chính sách hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
“Tái cơ cấu nông nghiệp thành công chỉ khi chúng ta ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định.
Cùng với đó là khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản.
Từng bước hình thành những tổ hợp nông-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.
Thu hút, khuyến khích mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo cho người lao động nông thôn có thu nhập, đời sống ổn định theo tinh thần ly nông nhưng không ly hương.
“Việc đưa doanh nghiệp đầu tư địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới...”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; thực hiện hiệu quả, lồng ghép các chương trình, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; quan tâm bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.
Đồng thời nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn hồ chứa; ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi đa mục tiêu gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống các công trình thuỷ lợi.
Nguồn www.chinhphu.vn