Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ báo chí cuối năm

Trong ngày cuối cùng của năm 2013, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành thời gian gặp gỡ, thông tin cho báo chí về tình hình khu vực, thế giới, thành tựu đối ngoại năm 2013, định hướng công tác đối ngoại năm 2014...

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ nhiều vấn đề về công tác đối ngoại năm 2013
với báo chí. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tình hình thế giới và khu vực

Theo Phó Thủ tướng, đặc điểm bao trùm nhất của tình hình khu vực và thế giới vẫn là xu hướng hòa bình, ổn định và phát triển như đã được đánh giá trong vài năm qua nhưng có những điểm khác biệt.

Về kinh tế, có thể gói gọn: “Lạc quan, thận trọng”. Lạc quan vì tình hình kinh tế thế giới năm 2013 ở các khu vực có dấu hiệu phục hồi như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Thận trọng vì còn nhiều yếu tố rủi ro, chưa thể khẳng định kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ hay không.

Có 5 xu hướng nổi lên trong tình hình kinh tế thế giới: Các nước đều tập trung vào việc chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế; chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào khoa học công nghệ; liên kết kinh tế khu vực ngày càng tăng (do thất bại của các vòng đàm phán Doha); chuyển dịch sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông (sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc), từ Bắc xuống Nam (với các nền kinh tế mới nổi Brazil, Indonesia, Ấn Độ); và xu hướng hoán đổi đồng nhân dân tệ với những đồng tiền khác (Trung Quốc hiện nay có 21 hoán đổi tiền tệ với các nước).

Về chính trị, hòa bình ổn định vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra mạnh mẽ ở các khu vực.

Thành tựu đối ngoại

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá công tác đối ngoại 2013 là “toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhưng mang tính chiến lược”.

Riêng trong năm 2013, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước trong tổng số 13 đối tác chiến lược kể từ năm 2001; thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ… Có thể nói Việt Nam là một trong số ít nước xác lập quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với tất cả các nước lớn trên thế giới.

Về tầm quan trọng của các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Phó Thủ tướng cho biết giá trị thương mại với 13 đối tác chiến lược đạt 148 tỷ USD năm 2013, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã tự tin tham gia tích cực, chủ động tại các diễn đàn đa phương, trong đó nổi bật là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tải thông điệp: Phát triển hòa bình, xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, tạo ra môi trường hòa bình và phát triển.

Việc Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao, được bầu là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nhiệm kỳ 2013-2014 phản ánh vai trò và vị thế của Việt Nam đồng thời thể hiện sự lan tỏa trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt với những đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam chủ động tham gia đàm phán 6 hiệp định tự do thương mại khu vực để nắm bắt xu thế liên kết khu vực, liên kết tiểu khu vực, liên kết trong các FTA.

Trong công tác biên giới lãnh thổ, Việt Nam đã hoàn thành tăng dày mốc giới trên đường biên giới trên 2.000km với Lào; hoàn thành gần 80% việc xây dựng các cột mốc biên giới với Campuchia. Với Trung Quốc, triển khai thực hiện 3 văn kiện về quản lý biên giới.

Tình hình Biển Đông tiếp tục duy trì được ổn định mặc dù trong năm 2012 và đầu năm 2013 có những diễn biến phức tạp do những hành động ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển đặc quyền kinh tế hoặc ngư trường truyền thống…

Bên cạnh việc đấu tranh với các biện pháp ngăn chặn ngư dân…, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN, Trung Quốc tiến hành tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. ASEAN đã đạt được sự thống nhất, đoàn kết cao hơn trong lập trường về vấn đề Biển Đông; cùng với Trung Quốc tiến hành tham vấn về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Trọng tâm của công tác đối ngoại 2014

Về trọng tâm công tác đối ngoại năm 2014, Phó Thủ tướng cho biết hoạt động đối ngoại tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, đồng thời chuẩn bị cho xây dựng đường lối đối ngoại cho Đại hội XII.

Ngành Ngoại giao phải triển khai cụ thể chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, sau khi xác lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, phải làm cho quan hệ đó thực sự có hiệu quả, thực sự mang ý nghĩa của đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Theo đó, phải có các biện pháp tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư nhưng đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước khác.

Công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân cũng sẽ được tiếp tục tăng cường.

Nguồn www.chinhphu.vn