Chị Trưởng Thị Phú Hoảng, nhân viên chuyên trách Dân số, Trạm Y tế thị trấn Phước Dân cho biết, toàn thị trấn hiện có 2.190 phụ nữ có chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Năm 2013 đã có 1.779 lượt người thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt 109% kế hoạch đề ra và tăng nhiều so với các năm trước. Ngoài ra, số lượt phụ nữ tự nguyện đến khám phụ khoa tại Trạm Y tế cũng tăng cao, bình quân mỗi ngày có từ 6-10 ca. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), thực hiện KHHGĐ.
Y tá Lê Thị Minh Nguyệt tư vấn biện pháp tránh thai cho phụ nữ tại Trạm Y tế thị trấn.
Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đâu năm, Ban DS-KHHGĐ thị trấn đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ban Quản lý các khu phố… xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ và CSSKSS. Đối tượng tập trung tuyên truyền chủ yếu là vị thành niên, thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ… đặc biệt chú trọng đến các khu phố có đồng bào Chăm sinh sống. Hiện thị trấn có 1 CLB “Không sinh con thứ 3” gồm 30 thành viên, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ về thực hiện KHHGĐ. 2 CLB “Tiền hôn nhân” do Đoàn Thanh niên phụ trách đã thực sự là sân chơi bổ ích, cung cấp thông tin, kiến thức giúp vị thành niên, thanh niên nâng cao hiểu biết, kỹ năng về CSSKSS, quan hệ tình dục an toàn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. 30 thành viên của 2 CLB “Tiền hôn nhân” còn là những tuyên truyền viên tích cực giúp nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa thị trấn nói chung về công tác dân số.
Ngoài các hình thức tuyên truyền thông qua băng-rôn, tờ rơi, hệ thống loa truyền thanh của các khu phố… đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số của thị trấn gồm 40 người cũng là những hạt nhân tích cực, góp phần đem lại những thay đổi rõ nét nhất. Sau khi khảo sát, phân loại các nhóm đối tượng, các CTV đến tận nhà để tuyên truyền, vận động, từ việc nâng cao nhận thức trong CSSKSS đến vai trò của việc thực hiện KHHGĐ, rồi hướng dẫn, tư vấn các biện pháp tránh thai…
Điều đáng mừng là nhờ thực hiện lồng ghép, đồng bộ các giải pháp cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ CTV dân số, đến nay nhận thức của phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung trên địa bàn thị trấn Phước Dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình cả vợ và chồng đều chủ động tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm… đó là tín hiệu mừng để thị trấn Phước Dân tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện tốt hơn công tác dân số trong thời gian tới.
Bích Thủy