Không chỉ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hội thi còn là sân chơi vô cùng bổ ích, giúp chị em dân tộc thiểu số có cơ hội giao lưu, mở mang hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động người dân tham gia công tác đào tạo nghề, tạo việc làm ở địa phương.
Tiểu phẩm “Ly nông không ly hương” của đội Hội phụ nữ huyện Ninh Phước.
Ngay trong phần thi chào hỏi, các đội đã mang lại cho khán giả không khí vui tươi, sôi động bằng những câu vè hóm hỉnh, tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ “tự sáng tác”, nhưng cũng hết sức trí tuệ, bởi chỉ trong vòng 4 phút, các đội đều đã giới thiệu khá rõ nét về nét văn hóa, tình hình phát triển kinh tế- xã hội, và đặc biệt là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở địa phương mình.
Bước sang phần thi kiến thức, đây là phần thi được các thí sinh, cũng như khán giá quan tâm, mong đợi nhất vì thông qua phần thi này không những thể hiện mức độ hiểu biết của các thí sinh, mà còn góp phần tích cực giúp khán giả nâng cao kiến thức về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Mỗi đội cử 3 người dự thi bốc thăm trả lời gói câu hỏi, trong đó mỗi thành viên phải trả lởi ít nhất 1 câu trong thời gian không quá 30 giây. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị khá chu đáo, cộng sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, hầu hết các đội đều trả lời tuyệt đối các bộ câu hỏi đề ra, làm khán giả hết sức hài lòng. Chị Thành Thị Kim Cúc, một cổ động viên ở xã Xuân Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Từ trước tới nay tôi hầu như không quan tâm đến việc học nghề. Nhưng thông qua hội thi này, tôi mới biết được Nhà nước mình có nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ dân tộc thiểu số, ví dụ như Quyết định 295 của Thủ tướng Chính phủ hay kế hoạch 5669 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015”. Nếu tham gia học nghề ngắn hạn, tôi sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng chi phí học nghề. Sau khi học xong sẽ được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và nhiều chính sách ưu đãi khác”.
Phần thi tiểu phẩm cũng không kém phần sôi động, hấp dẫn. Có thể nói, ở phần thi này, các đội đã có chuẩn bị khá chu đáo. Nội dung của tiểu phẩm cô đọng, ý nghĩa, tập trung vào chủ đề đặt ra. Nhiều vấn đề thời sự cũng được phản ánh trong các tiểu phẩm. Điển hình như tiêu phẩm “Ly nông không ly hương” của đội huyện Ninh Phước, phản ánh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đang diễn ra phổ biến hiện nay. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đua nhau thi vào các trường đại học, sau khi ra trường gặp khó khăn tìm kiếm việc làm, trong khi đó những công nhân kỹ thuật có tay nghề cao lại dễ dàng tìm kiếm công việc theo khả năng, sở trường, ngành nghề được đào tạo, từ đó nâng cao năng suất lao động, cải thiện đáng kể thu nhập. Tiểu phẩm còn đề cao các giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn thông qua đào tạo các ngành nghề truyền thống ở địa phương; hiệu quả của các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, giúp lao động nông thôn nâng cao kiến thức, tay nghề, áp dụng kiến thức được học vào vào thực tiễn, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Ban tổ chức Hội thi trao giải thưởng cho các đội. Ảnh: Văn Miên
Ban tổ chức Hội thi đã trao giải Nhất cho đội Hội PN huyện Ninh Phước, giải Nhì cho đội Hội PN Ninh Sơn và giải Ba thuộc về đội thành phố Phan Rang- Tháp Chàm.
Đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội PN tỉnh cho biết: Hội thi đã thành công ngoài sự mong đợi. Điều đáng ghi nhận đó là mặc dù các thí sinh đều là người dân tộc thiểu số, có nhiều chị ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, các chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hy vọng qua Hội thi lần này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, ý thức về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là các nữ lao động dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh”.
Uyên Thu