NHÌN LẠI NĂM 2013:

Nỗ lực cho tăng trưởng sản xuất nông nghiệp

(NTO) Ghi nhận đầu tiên là về lĩnh vực trồng trọt. Trong năm, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 81.868 ha, vượt 2,6% so với kế hoạch, trong đó nhóm cây lương thực tăng 2,8%, cây lấy củ có bột tăng 4,7%. Nhờ tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm… cây trồng nên đã mang lại hiệu quả cao.

Qua thực tế sản suất cho thấy sản lượng một số sản phẩm chủ lực như lúa tăng 4%, bắp tăng 12,7%, mía cây tăng 17,2%; nho tăng 7,5%... so với năm 2012. Đơn cử như, sản lượng lúa cả năm đạt 246,1 nghìn tấn, sản lượng lương thực có hạt đạt 306,1 nghìn tấn, tăng 5,7% so năm 2012. Một số cây rau có diện tích giảm nhưng năng suất đạt cao góp phần làm tăng sản lượng cả năm như: rau các loại đạt 108 nghìn tấn, tăng 38,2%. Một số cây trồng lâu năm như “nữ hoàng” nho từng bước được phục hồi với diện tích cho sản phẩm gần 680 ha, tăng 23 ha. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ tổng hợp có hiệu quả cộng với thời tiết khá thuận lợi nên năng suất bình quân cao hơn 9 tạ/ha góp phần nâng sản lượng thu hoạch tăng 7,5% so với năm 2012. Cây táo, diện tích hiện có trên 1.107 ha, trong số này diện tích cho sản phẩm 1.008 ha, tăng 40 ha với sản lượng thu hoạch đạt trên 37.782 tấn.

Nông dân trong tỉnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa vụ mùa tại Ninh Phước.Ảnh: Văn Miên

Chăn nuôi ngày càng được chú trọng phát triển theo xu hướng lợi thế cạnh tranh về vật nuôi gắn với chủ động phòng ngừa dịch bệnh... để nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo thống kê, trong năm đàn dê, cừu tăng 6,5%; đàn heo tăng 23,2%, vượt 18,7% kế hoạch; tổng đàn gia cầm tăng 22,3%... Điều cũng đáng nói là chất lượng đàn bò, dê cừu tiếp tục được cải thiện, đạt tỷ lệ Sind hóa 38%, nạc hóa đàn heo đạt 70%.

Để đạt được những kết quả nêu trên có thể nói trong năm ngành đã tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất về lịch thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Cụ thể là để khắc phục tình trạng thiếu nước do thời tiết khô hạn trong 5 tháng đầu năm, Sở đã xây dựng Phương án 01/PA-SNNPTNT để triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt dân sinh, chăn nuôi và nước cho sản xuất; giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, cháy rừng mùa khô trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai đến từng địa phương và các đơn vị trong ngành thực hiện; Từ giữa tháng 6/2013 đến nay, có mưa rải rác nhưng không đều, nhiều hồ chứa chưa tích đủ nước (đặc biệt là hồ Sông Trâu), nhưng do sự chỉ đạo triển khai phương án tưới tiết kiệm nước, đầu tư nạo vét, tu sửa công trình và đưa vào khai thác sử dụng kịp điều tiết nước hợp lý cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp 3 vụ chủ động tưới đạt 81.868 ha vượt 14,8% kế hoạch.

Công tác phòng trừ dịch hại trên cây trồng được chú trọng đúng mức. Đơn vị chức năng đã phối hợp với các công ty thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức 100 cuộc tọa đàm cho 5.000 nông dân đồng thời phối hợp với mạng lưới cộng tác viên BVTV cơ sở thường xuyên theo dõi, điều tra nắm chắc tình hình dịch hại. Tổ chức và phối hợp tập huấn 21 lớp cho nông dân về phòng trừ các đối tượng dịch hại các loại cây trồng và 54 lớp tập huấn về quy trình “1 phải, 5 giảm trên cây lúa”,... Do đó đã tổ chức phòng trừ kịp thời cho 3.960,5 ha lúa, 160,5 ha bắp, 992 ha nho, 660 ha táo và 165 ha rau đậu các loại. Ngoài ra còn kiểm dịch thực vật cho 10.940 tấn giống nông sản cho các cơ sở sản xuất giống cây trồng.

Nông dân xã An Hải áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn,
mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên

Điều cũng đáng ghi nhận là ngành đặc biệt chú trọng đến phát triển giống cây trồng vật nuôi. Cụ thể là đã triển khai khảo nghiệm đầu dòng trên các giống lúa; Chăm sóc tập đòan giống nho, khảo nghiệm 3 giống nho mới (2 giống nho ăn tươi, 1 giống nho sấy khô), khảo nghiệm giống mãn cầu Israel; sản xuất 787 kg lúa giống siêu nguyên chủng, 23,6 tấn giống nguyên chủng, 145,5 tấn giống xác nhận; cung ứng cho nông dân 205 tấn lúa giống để gieo cấy...góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho nông hộ.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là cơ cấu giống chưa đạt theo yêu cầu đề ra cho từng vụ, thời vụ gieo cấy một số nơi còn kéo dài, dẫn đến trên một cánh đồng tồn tại cùng một lúc nhiều trà lúa gây khó khăn trong việc điều tiết nước cho sản xuất... Không những vậy, nhận thức của một bộ phận nông dân về chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong cơ chế thị trường còn thấp, tập quán canh tác truyền thống, độc canh, nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến; tình trạng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật đầu tư vẫn còn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi...Các yếu tố trên đã làm cho một số sản phẩm tính cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh tế không cao...

Năm 2014, ngành xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất sạch để phát triển bền vững, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trên ha đất canh tác. Theo đó, phấn đấu đạt chỉ số tăng 6% so với thực tế thực hiện của năm 2013.

Tin tưởng rằng bằng nỗ lực của ngành và sự đồng thuận cao của các nông hộ, nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới trong năm mới 2014.