Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban Nội chính, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố phía Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng đề ra và được nhấn mạnh trong các Hiến pháp (Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 và 2013). Trong thời gian qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trong đời sống xã hội, trong chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã nảy sinh những đòi hỏi, nhu cầu về cải cách nền tư pháp của đất nước, do đó, năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Việc thực hiện tốt Chiến lược có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo bước ngoặt cho nền tư pháp nước nhà, đảm bảo mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phục vụ phát triển đất nước và bảo vệ nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị cần thảo luận làm rõ những nội dung trong Dự thảo Báo cáo. Kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp được nêu tại Dự thảo, những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. Thảo luận làm rõ những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp; sự phù hợp với các chủ trương, đường lối được nêu trong văn kiện Đại hội XI của Đảng và Hiến pháp mới được sửa đổi.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.
Kết luân Hội nghị, Chủ tịch nước đã chia sẻ những bức xúc của đại biểu liên quan đến các bất cập còn tồn tại trong ngành Tư pháp hiện nay. Theo Chủ tịch nước, công tác triển khai thực hiện cải cách tư pháp hiện còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm tính hệ thống, chưa theo đúng lộ trình và chưa ngang tầm đòi hỏi của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Về nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động tư pháp, Chủ tịch nước cho rằng, vẫn còn nhiều địa phương xem nhẹ cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp; nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng đối với một số nhiệm vụ cải cách tư pháp ở một số nơi bị buông lỏng, thiếu kiểm tra đôn đốc, chưa thực sự đạt yêu cầu của Nghị quyết 49; việc nghiên cứu cơ sở lý luận và tổ chức hoạt động của cơ quan tư pháp còn nhiều mặt hạn chế; chưa xác lập thật đầy đủ và được luật hóa đầy đủ về mối quan hệ phối hợp kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan tư pháp với cơ quan lập pháp, hành pháp cũng như các cơ quan trong hệ thống tư pháp với nhau.
Do đó, trong thời gian tới, ngành Tư pháp phải bám chặt mục tiêu cải cách tư pháp, rà soát lại kế hoạch thực hiện để trong nội bộ thống nhất cao, đồng thời nhân dân cũng thống nhất cao. Thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp do Bộ Chính trị đã đề ra, xây dựng một nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, hiện đại, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Nguồn www.chinhphu.vn