Lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo Tổng kết cải cách tư pháp

Sáng 7/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng tham dự.

Tại hội nghị các đại biểu tập trung trao đổi thảo luận một số nội dung cơ bản để làm rõ thêm nội dung của Dự thảo Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương đã đã xây dựng Dự thảo Báo cáo Tổng kết nhằm làm rõ các vấn đề quan trọng, đồng thời đánh giá kết quả thực hiện, nêu roc những hạn chế, bài học kinh nghiệm, qua đó đẩy mạnh công tác thực hiện Chiến lược CCTP trong thời gian tới.

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Dự thảo Báo cáo đã phản ánh đầy đủ kết quả tổng kết toàn diện Chiến lược CCTP đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Qua 8 năm thực hiện, có thể khẳng định việc quán triệt, triển khai Chiến lược này được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm; kết quả thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ của Chiến lược CCTP đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cải thiện và hoàn thiện nhằm khắc phục những hạn chế nâng cao chất lượng của nền tư pháp nước nhà.

Tuy kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu nhưng hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp được hoàn thiện hơn, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều tiến bộ, các chế độ bồi thường ngày càng hoàn thiện và lành mạnh hơn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chiến lược CCTP cũng còn tồn tại một số hạn chế như, công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ tư pháp còn thiếu đồng bộ; hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự , hành chính, kinh tế, lao động và tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp hoàn thiện còn chậm; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn chưa được thường xuyên.

Các đại biểu dự hội nghị tán thành với mục tiêu tiếp tục quán triệt thực hiện mục tiêu của Chiến lược CCTP được nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, vì mục tiêu này vẫn còn giá trị và đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) tiếp tục khẳng định.

Đóng góp ý kiến, các đại biểu cho rằng, về phương hướng và nhiệm vụ CCTP, bổ sung nội dung hoàn thiện thủ tục tố tụng theo hướng kế thừa mô hình tố tụng thẩm vấn và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiến bộ của mô hình tố tụng tranh tụng; hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và tố tụng tư pháp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp.

Cùng với đó là việc hoàn thiện các chế độ bổ trợ tư pháp, xây dựng đội ngũ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch vững mạnh; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, tăng cường hợp tác quốc tế, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hội nghị cần thảo luận làm rõ hơn nội dung, chủ trương của Chiến lược CCTP mới được Quốc hội thông qua. Đây là văn bản quan trọng nhất nên các văn bản khác phải căn cứ vào đạo luật gốc này.

Trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan có liên quan nghiên cứu các vấn đề lý luận; tổng kết thực tiễn về những vấn đề mới như quyền tư pháp, phân công, phối hợp, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN; chuẩn bị nội dung các vấn đề có liên quan đến việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và CCTP giai đoạn 2016 – 2021, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương đưa vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xem xét, thông qua, tạo cơ sở thuân lợi để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc CCTP, xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, bảo vệ công lý, quyền con người, phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc.

Nguồn www.chinhphu.vn