ĐHQG Hà Nội hướng tới đẳng cấp thế giới về tri thức, công nghệ

Tới dự lễ kỷ niệm 20 năm Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội (10/12/1993-10/12/2013), ngày 9/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn ĐHQG Hà Nội đi tiên phong trong việc vươn tới các chuẩn mực và trình độ tiên tiến về tri thức và công nghệ của khu vực, thế giới.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Đại học Quốc gia Hà Nội
(10/12/1993-10/12/2013), ngày 9/12. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lẵng hoa chúc mừng ĐHQG Hà Nội.

Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương…

Tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tựu mà ĐHQG Hà Nội đạt được trong 20 năm qua, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ. Qua đó, từng bước xác lập vai trò đầu tàu, nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, có vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, ĐHQG Hà Nội còn có những hạn chế, bất cập trong đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa đạt được trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; số cán bộ khoa học đầu ngành chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của ĐH nghiên cứu tiên tiến. Hoạt động khoa học và công nghệ giữa các nhóm ngành, đơn vị chưa đồng đều, năng lực quản trị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của phương thức quản trị ĐH nghiên cứu tiên tiến, hiện đại…

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 20 năm ĐHQG Hà Nội
(10/12/1993-10/12/2013). (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà ĐHQG Hà Nội cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để thực sự trở thành tổ hợp các ĐH, viện nghiên cứu khoa học thuộc các chuyên môn khác nhau ngang tầm khu vực và từng bước đạt trình độ quốc tế.

Trước hết cần tiếp tục hoàn thiện mô hình ĐHQG Hà Nội theo hướng hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam; triển khai cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản trị ĐH.

Trong quá trình đào tạo phải đặc biệt coi trọng, phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực, kỹ năng và tăng khả năng có việc làm của người học, nâng cao chất lượng đầu vào, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp học tập, tăng thực hành cho người học… hướng tới phát triển ba trường ĐH thành viên và ĐHQG Hà Nội đạt chuẩn quốc tế.

Tổng Bí thư cho rằng cần nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò của ĐHQG Hà Nội như là cái nôi của nghiên cứu khoa học cơ bản, đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ khoa học cơ bản cho toàn hệ thống giáo dục và KHCN quốc gia… ĐHQG Hà Nội cần sớm nghiên cứu và đề xuất những cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, phát triển khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, cần phát triển các khoa học liên ngành, khoa học mũi nhọn trực tiếp tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển của đất nước.

Thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thông tin truyền thông, ĐHQG Hà Nội cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế, uy tín ở trong nước và thế giới; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác tin cậy, làm cơ sở để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tự do học thuật…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
thăm phòng lưu niệm ĐHQG Hà Nội. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện ĐHQG Hà Nội là một thực thể gắn kết hữu cơ với 28 đơn vị đầu mối, tổ hợp của 6 trường ĐH, 3 viện nghiên cứu thành viên và các đơn vị trực thuộc; bao gồm tương đối đầy đủ các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội-nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ và y-dược với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đông đảo và mạnh về chất lượng. Tỷ lệ cán bộ có học vị Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học chiếm 45%, tỷ lệ Giáo sư và Phó Giáo sư đạt 18,5% phân bố khá đều trên tất cả các lĩnh vực.

Đến nay ĐHQG Hà Nội về cơ bản đã xây dựng được mô hình ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đi tiên phong trong cả nước trên phương diện đổi mới quản trị ĐH, thực hiện triết lý đào tạo mới. Phương pháp giảng dạy mới được áp dụng đã gắn đào tạo kiến thức chuyên sâu với bồi dưỡng kỹ năng, tăng cường các kiến thức liên ngành, tăng khả năng đáp ứng linh hoạt yêu cầu việc làm của sinh viên, đào tạo hướng tới chuẩn đầu ra, tăng cường cả năng lực, kỹ năng, phẩm chất và tầm nhìn.

Năm 2012, tỷ lệ học viên đào tạo sau đại học của ĐHQG Hà Nội chiếm gần 30% tổng số sinh viên, học viên chính quy. Trong khoảng 5.000 cử nhân các hệ tốt nghiệp hàng năm, tỉ lệ đào tạo chất lượng cao, tài năng và chuẩn quốc tế đã đạt gần 20%; trung bình có hơn 15% sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học tập và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, được làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu quốc tế.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, ĐHQG Hà Nội là đơn vị có tỷ lệ Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, Giáo sư, Phó Giáo sư cao nhất cả nước, đạt 45%, riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế, tỷ lệ tiến sĩ đạt trên 65%. Có 19 giải thưởng Hồ Chí Minh và 18 giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đã được dành tặng cho các nhà giáo, nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội. Mặt khác, ĐHQG Hà Nội còn thu hút được đông đảo các nhà khoa học có uy tín cao ở trong nước và thế giới, trong đó có nhiều người đạt giải Nobel và các giải thưởng lớn có uy tín khác cùng tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các đơn vị đào tạo và nghiên cứu.

"Mục tiêu chiến lược của ĐHQG Hà Nội là trở thành trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực nằm trong nhóm 200 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2015, vươn lên nhóm 100 đại học tiên tiến của Châu Á vào năm 2020", GS.TS Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Nguồn www.chinhphu.vn