Với ý nghĩa như vậy, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng ngay từ đầu năm các cấp, các ngành của thành phố đã cụ thể hóa các Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đưa nền kinh tế-xã hội trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng,
phấn đấu trở thành đô thị loại 2 vào năm 2015. Ảnh: Văn Miên
Theo báo cáo của UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, trong năm, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt trên 4.826 tỷ đồng, tăng 14,4%. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển ngành có giá trị gia tăng cao như: Thương mại-dịch vụ, tài chính-tín dụng, công nghệ viễn thông, công nghiệp-xây dựng, du lịch…
Chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế lên đến trên 60%, ngành thương mại-dịch vụ đã phát huy vai trò đòn bẩy của nền kinh tế. Với lợi thế là trung tâm chính trị-kinh tế-xã hội của tỉnh, hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư nên hệ thống siêu thị, chợ thương mại phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Trong năm, một số dự án phát triển thương mại được thực hiện như: Khởi công xây dựng chợ Đô Vinh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng siêu thị aMaximark, xây dựng chợ đầu mối Tấn Tài. Đã thực hiện cơ chế xã, phường đầu tư, thành phố hỗ trợ xây dựng các chợ: Đông Giang, Tân Thành (phường Đông Hải), chợ Mỹ Phước (phường Mỹ Bình). Đây chính là yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ ở thành phố ngày càng sôi động. Trong năm, thành phố có 103 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn gần 299 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên 705 doanh nghiệp, chiếm 41,5 % số doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Đã cấp mới 480 Giấy chứng nhận kinh doanh cho hộ cá thể, với tổng số vốn trên 85 tỷ đồng, nâng tổng số hộ kinh doanh lên 794 cơ sở. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ngành thương mại đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 90,1% trong ngành thương mại – dịch vụ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của thành phố.
Ngành du lịch, cơ sở vật chất tiếp tục tăng cả về quy mô và chất lượng, phát huy vai trò kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh, nhất là các khu du lịch trọng điểm như Vịnh Vĩnh Hy-Bình Tiên (Ninh Hải), làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước),...đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách. Trong năm, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tầm quốc gia: Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai, Lễ hội Ka-tê, giải bóng đá U21 Quốc tế Báo Thanh Niên và nhiều hội chợ thương mại, triển lãm hàng công nghiệp, nông nghiệp…nên thu hút đông lượng khách đến thành phố tham quan, nghỉ dưỡng. Số lượng khách du lịch đến thành phố là 825.000 lượt người, tăng gần 16%; trong đó khách quốc tế 63.800 lượt khách, tăng 6,25% . Tổng doanh thu ngành Du lịch đạt 413 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012.
Mạng lưới thương mại-dịch vụ ngày càng phát triển,
đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ảnh:Thanh Long
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 cụm công nghiệp, với nhiều nhà máy đang hoạt động. Một số dự án công nghiệp mới được xây dựng đưa vào hoạt động như: Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Nhà máy sản xuất bao bì Tân Định và một số cơ sở công nghiệp chế biến nông, thủy sản… đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 1.330 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Công tác quy hoạch xây dựng được quan tâm điều chỉnh, bổ sung kịp thời; một số dự án quy hoạch treo đã được giải quyết như Trung tâm Thể dục-Thể thao tỉnh, Khu du lịch Bình Sơn (khu C); tiếp tục triển khai quy hoạch đã được phê duyệt… Sản xuất vật liệu xây dựng mới đáp ứng được nhu cầu thị trường, một số công trình xây dựng quy mô lớn tiếp tục đầu tư như cầu An Đông, đường Phan Đăng Lưu,... Thành phố đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải tỏa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng các khu đô thị, góp phần đưa ngành Xây dựng đạt tăng trưởng cao 17 %, giá trị sản xuất đạt trên 1.125 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 724,7 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách của thành phố được trên 321 tỷ đồng, đạt 101 % kế hoạch. Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đạt 82,2%.
Cùng với nhiệm vụ đẩy nhanh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị để tiến tới đạt chuẩn đô thị loại 2, thành phố quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp”. Đã phát động phong trào 3 không “Không đổ nước, không rác thải và không cát trên các tuyến đường”, xây dựng bãi biển Bình Sơn sạch, đẹp, an toàn; xóa các điểm tồn lưu rác thải lâu ngày (bờ biển Đông Hải, đê sông Dinh), duy trì tốt mô hình cộng đồng thu gom rác thải. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, bê tông hóa các tuyến đường trong khu dân cư….Vì vậy diện mạo đô thị của thành phố ngày càng hiện đại, môi trường từng bước được cải thiện.
Trong năm, các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do đó đời sống của nhân dân thành phố được nâng lên rõ rệt cả về tinh thần và vật chất. Đã giới thiệu giải quyết việc làm cho 4.592 lao động (đạt 91,8% kế hoạch), tổ chức đào tạo nghề cho 930 lao động ( đạt 214% kế hoạch). Hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; cấp đất cho hộ nghèo không có đất, xây dựng và sửa chữa nhà Đại đoàn kết. Các chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo và trẻ em được thực hiện đầy đủ… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,06%.
Chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng và quy mô giáo dục được nâng lên. Mạng lưới y tế phát triển mạnh ở cơ sở, đã từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Từ những thành tựu đạt được trong năm “bản lề” của kế hoạch 5 năm (2010-2015), sẽ là điểm tựa để Tp.Phan Rang-Tháp Chàm bước sang năm 2014 tiếp tục có bước phát triển vượt bậc toàn diện về các mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, thực sự là đầu tàu kinh tế của cả tỉnh.
Đặng Hữu