Không được quá dễ dãi trong vấn đề tự doanh nghiệp xin phá sản

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật phá sản (sửa đổi).

Đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cho biết, những năm gần đây, tình hình doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và có chủ doanh nghiệp bỏ trốn ngày càng trở nên phổ biến. Với số tiền nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tỷ đồng, có trường hợp nợ liên quan đến hàng trăm người lao động trong một doanh nghiệp, nảy sinh nhiều phức tạp trong giải quyết tranh chấp lao động. Sự việc chỉ được thông tin với cơ quan quản lý nhà nước về lao động sau khi chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Tình hình trên đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương nơi có doanh nghiệp trú đóng.

 

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Thân Đức Nam phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Do đó, đại biểu đồng tình rất cao với việc mở rộng đối tượng có quyền đề nghị mở thủ tục phá sản, điều đó sẽ tạo sự linh hoạt, khắc phục những hạn chế của luật hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị bổ sung thêm chủ thể có quyền đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là cơ quan quản lý lao động ở địa phương cấp huyện, cấp tỉnh vào dự thảo luật. Điều này, sẽ tạo điều kiện cho sự việc được giải quyết nhanh chóng, người lao động đỡ vất vả và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, ngăn ngừa tình trạng mất an ninh trật tự, đặc biệt khi thực hiện quyền đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản.

Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) đặt vấn đề: Theo Luật phá sản hiện hành trên thực tế có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phá sản và muốn chấm dứt hoạt động theo thủ tục phá sản nhưng mất gần 10 năm vẫn lâm vào tình trạng "chết nhưng không chôn được". Nguyên nhân cơ bản do Luật phá sản hiện hành quy định thủ tục tuyên bố phá sản theo quy trình ngược, tức là xử lý tài sản trước khi tòa án được quyền tuyên bố phá sản mà đúng ra phải tuyên bố phá sản trước khi xử lý tài sản, nếu giữa doanh nghiệp và chủ nợ không thỏa thuận được phương án phục hồi doanh nghiệp.

Do đó, theo đại biểu không nên quy định thủ tục thương lượng trước khi tòa thụ án đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Bởi vì, trên thực tế các chủ nợ đã không thỏa thuận được với nhau nên mới đề nghị tòa án và trọng tài giải quyết việc công nợ. Cho nên khi không có cơ quan trung gian thì việc tự thương lượng là rất khó khăn, gần như không đạt hiệu quả. Hơn nữa trong việc xác định tiêu chí doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Dự thảo Luật đã dành thời gian 3 tháng kể từ ngày có yêu cầu tuyên bố phá sản cũng như cơ hội cho chủ nợ và con nợ thương lượng. Do đó quy định trong Luật: thương lượng trước khi tòa án thụ lý là không cần thiết.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (tỉnh Bắc Ninh) cũng cho rằng: Dự thảo Luật quy định thủ tục thương lượng trước thủ tục thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và thủ tục chỉ định quản tài viên là chưa logic. Do vậy, cần xếp lại chuyển quy định này sau quy định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ hợp lý và khoa học hơn.

Về thẩm quyền của tòa án, theo đại biểu Nguyễn Trọng Trường thì việc giao thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã cho tòa án nhân dân cấp tỉnh là không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08 và 49. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về tăng thẩm quyền giải quyết cho tòa án nhân dân cấp huyện mà tương lai là thành lập tòa án sơ thẩm khu vực nên đại biểu đề nghị cần giữ nguyên quy định như Dự thảo, như Luật phá sản năm 2004 và quy định bổ sung vào Dự thảo Luật theo hướng đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn, hoạt động kinh doanh đa dạng về ngành, nghề kinh doanh ở nhiều địa phương, ở nước ngoài có tài sản ở nhiều nơi, có tài sản ở nước ngoài..v.v... thì tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Không được quá dễ dãi trong vấn đề tự xin phá sản mà chỉ tập trung xử lý những doanh nghiệp thực sự lâm vào tình trạng phá sản để đưa những chủ doanh nghiệp này ra khỏi cuộc chơi một cách có trật tự và bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ và các thành phần có liên quan. Do đó trong Điều 4 có quy định những trường hợp có thể nộp đơn phá sản quyền, nghĩa vụ thì đại biểu đề nghị tách ra 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là quyền của các chủ nợ bao gồm cả người lao động; Nhóm thứ hai là nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp nếu xét thấy đã lâm vào tình trạng phá sản phải xin phá sản.

Đại biểu Trần Du Lịch giải thích: “Tức là 2 nhóm khác nhau. Hai nhóm này khi thủ tục mở phá sản tuyên bố phá sản và bảo vệ lợi ích của người thứ ba có liên quan là rất khác nhau. Sau phần thủ tục chúng ta ghép hai nhóm lại vào một, ví dụ trong thời gian một chủ nợ nộp đơn phá sản thì chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể cấu kết với một số chủ nợ khác để chuyển một số khoản nợ mà khi chủ nợ không có bảo đảm tuyên bố phá sản trắng tay không có gì thu nữa, kể cả người lao động. Đây là một thủ thuật mà trên thực tế đã xảy ra cần rút kinh nghiệm”./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam