Giới trẻ và ngôn ngữ Facebook

(NTO) Facebook là một website mạng xã hội miễn phí phổ biến ở Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng, đã và đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của giới trẻ. Trên Facebook, người ta có thể bày tỏ, chia sẻ những thông tin, suy nghĩ, quan điểm riêng của mình về mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, vấn đề về cách sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, lệch chuẩn trên Facebook của nhiều bạn trẻ hiện cũng là vấn dề đáng lo ngại.

Qua khảo sát một số trang Facebook của các học sinh Trường THPT Chu Văn An, THPT Tháp Chàm, và THPT Nguyễn Trãi… chúng tôi tìm hiểu được một số phương thức tạo nên các “biến thể ngôn ngữ” mà các bạn học sinh sử dụng để viết trên Facebook là: viết tắt, sử dụng tiếng lóng, từ vay mượn nước ngoài tùy tiện, dùng ký hiệu số thay chữ viết…

Tự coi mình là người nghiện Facebook, truy cập trên 3 tiếng một ngày, Nguyễn Thị Trang (Trường THPT Ninh Hải) chia sẻ, điện thoại em có kết nối mạng nên em online Facebook thường xuyên. Viết bài đăng hoặc bình luận trên Facebook, mình có thể viết sai thoải mái mà bạn bè vẫn hiểu. Quả thật, các bạn trẻ đều muốn tạo cảm giác về sự phóng khoáng, không gò ép, nghĩ sao thì viết vậy nên đã khai thác triệt để ngôn ngữ lời nói để đưa vào Facebook. Điều này đã tạo nên sự gần gũi, hấp dẫn một nhóm người xem cùng độ tuổi, thói quen và tâm lý; tạo nên nét đặc trưng, phong cách riêng của ngôn ngữ Facebook.

Tuy vậy, xu hướng sử dụng từ ngữ trên Facebook cũng gây ra những hạn chế nhất định, ảnh hưởng tới sự chuẩn hoá tiếng Việt, đồng thời ảnh hưởng tới xu hướng sử dụng ngôn ngữ của những người tiếp xúc. Ban đầu hầu hết các bạn trẻ đều cảm thấy “hay hay”, rồi “quen quen”, sau đó họ sẽ đem ra sử dụng trong giao tiếp hằng ngày không chỉ với nhóm bạn họ, mà còn cả với bố mẹ, thầy cô; một cách tự nhiên, vô tình sử dụng cả trong việc học ở trường…gây nên sự quan ngại của không ít bậc phụ huynh và thầy, cô giáo... Anh Huỳnh Anh Dũng (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chia sẻ: Đọc một vài bài văn trên lớp của con mình, nhận thấy nhiều lỗi chính tả mắc phải là do bị ảnh hưởng từ ngôn ngữ trên mạng. Vì vậy, khi kèm con học ở nhà, cố gắng chỉ bảo cho con cách sửa lại những lỗi hay gặp sao cho đúng với chuẩn của ngôn ngữ tiếng Việt.

Thầy Thành Đổi, Hiệu trưởng của Trường TH Hộ Diêm (huyện Ninh Hải) chia sẻ: Để học sinh có ý thức trong việc rèn luyện chữ viết sao cho đẹp, đúng quy tắc, chuẩn mực cần phải có sự phối hợp, quan tâm của nhà trường, phụ huynh học sinh ngay từ khi các em bước chân vào lớp 1. Bất kể có một lỗi nào xuất hiện trên vở của học sinh, các thầy cô đều uốn nắn và chỉ bảo học sinh tận tình, kịp thời để các em sửa lại cho đúng. Chính vì sự sát sao, nghiêm túc với từng “con chữ” của học sinh mà trong nhiều năm liền, Trường TH Hộ Diêm đã đạt được thành tích cao trong phong trào “vở sạch, chữ đẹp”.

Xu hướng gia tăng vốn từ vựng là một xu thế tất yếu, và cuộc sống phát triển càng năng động thì tốc độ của sự gia tăng ngày càng cao. Vì vậy, mỗi người, nhất là các bạn trẻ cần đề cao trách nhiệm đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hãy khai thác và sử dụng ngôn ngữ trong sự tôn trọng, hướng tới chuẩn mực.