Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị
Với chủ đề “Phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, Hội nghị đã thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 120 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia của các cơ quan Liên Hợp Quốc, các Đại sứ thành viên ASEM và nhiều cơ quan hữu quan của Việt Nam.
Hội nghị là hoạt động triển khai sáng kiến do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và được thông qua tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 tổ chức tại Vientiane, nước CHDCND Lào, tháng 11/2012. Đây là sáng kiến ASEM có các thành viên tham gia đồng bảo trợ nhiều nhất, gồm Philippines, Lào, Indonesia, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Liên minh châu Âu và Pakistan.
Trong diễn văn khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ: Bước vào thế kỷ 21, các thảm họa thiên nhiên trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều, gia tăng đột biến cả về tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng. Chỉ trong hơn một thập kỷ đầu thế kỷ này, thế giới đã chứng kiến mực nước biển dâng cao kỷ lục với tốc độ gấp đôi thế kỷ 20, bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, bão tuyết và giá rét, lốc xoáy, hạn hán, cháy rừng… gay gắt và kéo dài.
Trong thế giới toàn cầu hóa, thiên tai không chỉ làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp tại một địa phương hay một quốc gia mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khu vực toàn cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 51 thành viên của hai châu lục Á-Âu với tiềm năng công nghệ và kinh tế đáng kể, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung trong ứng phó thiên tai.
Phó Thủ tướng đề nghị: Hội nghị tập trung chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời đề xuất những biện pháp để các nước thành viên ASEM tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ, phục hồi sau thảm họa. Cùng với đó là cần sớm thiết lập mạng lưới kết nối các trung tâm, viện nghiên cứu, các hệ thống cảnh báo thiên tai sớm của ASEM cũng như hai châu lục. ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong triển khai “Khuôn khổ hành động Hyogo” của Liên Hợp Quốc.
Về phía đại diện các nước thành viên ASEM, ông Claus Sorensen, Tổng Cục trưởng Cục Bảo vệ dân sự và cứu trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu cho rằng, chìa khóa để ứng phó với thiên tai là phải có đánh giá thỏa đáng về rủi ro trước khi xảy ra thiên tai. Từ những đánh giá đó mới thiết lập được các kênh thông tin tại địa phương, quốc gia và kết nối toàn cầu những đánh giá rủi ro này. Cùng với việc kết hợp, hỗ trợ, huy động các nguồn lực ứng phó khi có thiên tai xảy ra, việc đánh giá rủi ro thỏa đáng sẽ giảm thiểu được những tổn thất do thiên tai gây ra.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai
Ông Tri Budiarto, Phó Chủ tịch Ủy ban phòng tránh thiên tai của Indonesia cũng cho rằng việc chia sẻ, đề xuất các biện pháp cụ thể những hoạt động thiết thực sớm triển khai hợp tác ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu là cần thiết, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong tình hình thiên tai hiện nay.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tổng kết: Bài học thực tiễn cho thấy, mặc dù chúng ta chưa đủ sức để chế ngự các diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhưng nếu chúng ta phối hợp chính sách hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể các thiệt hại về người và vật chất. Việt Nam chủ trương tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị (ngày 18/11 và 19/11) sẽ có 4 phiên thảo luận tập trung trao đổi và đề xuất các cơ hội hợp tác của ASEM trong ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
Dự kiến, các kiến nghị của Hội nghị lần này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 vào tháng 10/2014 tại Italy và cuộc họp Quan chức cao cấp ASEM lại Brussels, Bỉ vào tháng 4/2014.
Nguồn chinhphu.vn