Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004 (Luật GTĐTNĐ năm 2004) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005. Sau 8 năm thi hành, Luật GTĐTNĐ năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều ở các Chương I, II, III, IV, VII, VIII và bổ sung 01 Chương (Chương VIIa) với 3 điều, chiếm 35% tổng số điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004, trong đó mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các quy định về nội dung quản lý nhà nước; cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thuỷ nội địa; quy hoạch và quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa...
Mở rộng phạm vi điều chỉnh ra cả vùng nước
Cụ thể, dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật GTĐTNĐ năm 2004 theo hướng áp dụng một số quy định có liên quan của Luật đối với cả hoạt động giao thông đường thủy nội địa diễn ra ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa.
Lý giải cho việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết trong thực tế, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa (như đi lại, quay trở, neo đậu phương tiện…) không chỉ diễn ra trên luồng, đặc biệt là phương tiện nhỏ hoạt động diễn ra khá phổ biến ở ngoài phạm vi luồng như: khi đi trên sông rộng hoặc vào mùa lũ, phương tiện đều đi ra ngoài luồng phía giáp bờ để tránh sóng gió… Như vậy, thực tế hiện nay, hoạt động giao thông vẫn diễn ra ở vùng nước này nhưng Luật GTĐTNĐ năm 2004 chưa quy định nội dung này.
Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm tỷ lệ 45%) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý thì các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Đa số ý kiến các thành viên của Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn trước việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật trong khi hiện nay “mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km, chỉ chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động GTĐT do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương” và đề nghị Ban soạn thảo có giải trình thêm về vấn đề này.
Liên quan đến đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh (khoản 2 vào Điều 1), hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật hoặc quy định thành một điều riêng về áp dụng pháp luật tại các vùng nước không phải ĐTNĐ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết phải bổ sung khoản 2 vào Điều 1 mà đề nghị chỉnh sửa lại khái niệm “Đường thủy nội địa”, theo đó ĐTNĐ là sông, kênh, rạch; tuyến trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam có hoạt động giao thông vận tải và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố.
Ủy ban KH,CN&MT cho rằng cần xác định rõ hơn khái niệm ĐTNĐ phù hợp với thực tế hoạt động GTĐTNĐ, tạo cơ sở cho việc quy hoạch và phát triển hạ tầng GTĐTNĐ theo hướng hiện đại.
Cần thiết bổ sung quy định về cứu nạn
Tại Điều 98d, 98đ, 98e (Chương VIIa), Dự thảo cũng bổ sung quy định về “Cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa”, “Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa”, và “Nguyên tắc cứu hộ” để có cơ sở thực hiện, giải quyết vụ việc vì các hoạt động này đang diễn ra trong thực tế, tương tự như quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ: Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất; đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng. Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời cảng, bến, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách..., cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia GTĐTNĐ, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách. Do đó, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, sự phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn…, nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý ĐTNĐ trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra trong hoạt động cứu nạn vì các điều, khoản liên quan trong Dự thảo Luật còn chung chung, đơn giản, chỉ có 01 điều, gồm 02 khoản. Ngoài ra, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn luôn gắn liền với công tác thường trực, điều tiết, khống chế, hướng dẫn bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm đen, các công trình trọng điểm trên sông trong mùa bão lũ, do đó đề nghị rà soát, bổ sung các quy định này vào Dự thảo Luật.
Ủy ban KH,CN&MT cũng cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch và quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa nhưng cho rằng hoạt động GTĐTNĐ diễn ra trên sông, nước, liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý, do đó, công tác quy hoạch phát triển GTĐTNĐ cần gắn kết và đồng bộ với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, quy hoạch của các ngành khác như an ninh - quốc phòng, thủy sản, bảo vệ môi trường, đất đai, hàng hải, thủy điện,… Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về việc lồng ghép quy hoạch ĐTNĐ với các quy hoạch nêu trên, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong vấn đề này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam