Tại Điều 16 Dự thảo quy định: Những người được miễn đào tạo nghề công chứng gồm: Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên; Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hoạt động công chứng là công chứng viên. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng đội ngũ công chứng viên vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, một số công chứng viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ công chứng viên nói riêng và nghề công chứng nói chung. Mà phần lớn các công chứng viên yếu kém này là các công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng.
Dẫn chứng báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng của Bộ Tư pháp cho thấy, tỷ lệ công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng chiếm đến 64,3% tổng số công chứng viên được bổ nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn đội ngũ công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này. “Nếu thực sự coi công chứng viên là nghề chuyên nghiệp thì ai muốn hành nghề công chứng đều phải được đào tạo nghề” – đại biểu Thúy nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) chỉ rõ: Luật Công chứng hiện hành đã cho phép nhiều đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng. Từ đó, qua 5 năm thực hiện Luật Công chứng, số lượng công chứng viên tăng lên nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Thực tế có những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư… từ khi được bổ nhiệm đến khi hành nghề chỉ thực hiện các vụ án hình sự trong khi công chứng viên là chứng nhận các hợp đồng giao dịch đa số thuộc lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Lâm kiến nghị, Dự thảo cần xem xét quy định bắt buộc các đối tượng phải qua đào tạo nghề công chứng mới được công nhận là công chứng viên.
Một số ý kiến đề nghị cần tổng kết, rà soát kỹ lưỡng hơn nữa trong nhóm này những đối tượng được miễn đào tạo nào có tỷ lệ vi phạm cao nhằm thu gọn hơn phạm vi các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, bảo đảm những người được miễn đào tạo phải là những người đã có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc hành nghề công chứng viên; không nên quy định thêm khóa bồi dưỡng, thực chất vẫn là một hình thức đào tạo ngắn hạn đối với các đối tượng này như trong dự thảo Luật.
Ngoài các nội dung kế thừa từ Luật Công chứng năm 2006, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, theo đó, giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu. Cụ thể, cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự, công chứng viên có quyền chứng nhận bản dịch giấy tờ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại.
Qua thảo luận, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc bảo đảm chất lượng của nội dung bản dịch vì cho rằng dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao. Nội dung, hình thức của giấy tờ có yêu cầu dịch thuật cũng như các ngôn ngữ cần dịch rất đa dạng, phức tạp, nhất là trong trường hợp dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Việc yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được yêu cầu dịch sẽ vượt quá khả năng của công chứng viên. Mặt khác, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, dù có sử dụng hình thức công chứng hay chứng thực, để nâng cao chất lượng bản dịch, pháp luật cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và quy định rõ trách nhiệm pháp lý của những người làm công việc này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam