Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Phương án phòng chống siêu bão HaiYan

(NTO) Trước diễn biến phức tạp của siêu bão HaiYan, đồng chí Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứn nạn (PCLB-TKCN) tỉnh đã cho biết các phương án UBND tỉnh chỉ đạo triển khai phòng chống siêu bão HaiYan.

Ngay sau các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ chiều ngày 8-11, UBND tỉnh ban hành Công điện số 5357/CĐ-UBND và Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND tỉnh ngày 9-11 chỉ đạo về công tác phòng chống siêu bão HaiYan. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Phương án số 5358/PA-UBND về triển khai các phương án phòng chống siêu bão HaiYan.

Đồng chí Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với siêu bão Haiyan; phòng tránh lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển ...nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng nhân dân, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp, các ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố: Nghiêm túc thực hiện Công điện số 1816/CĐ-TTg ngày 07/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động đối phó với siêu bão HaiYan và công điện khẩn số 88/CĐ-TW, số 89/CĐ-TW ngày 07/11/2013 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Công điện số 5357/CĐ-UBND và Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND của UBND tỉnh về công tác phòng chống siêu bão HaiYan.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ: Ra khỏi vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 08 đến Nam Vĩ tuyến 16 và phía Đông Kinh tuyến 112 trước 19 giờ ngày 08/11/2013; Các phương tiện hoạt động ở vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 10 đến Nam Vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19 giờ ngày 09/11/2013; Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông để nhanh chóng kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn khi có lệnh cấm. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão cho tàu thuyền quy định định: Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná; tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 19 giờ ngày 09-11-2013. Cấm các phương tiện tàu thuyền ra khởi kể từ 8h sáng ngày 9-11-2013

Thông báo cho các chủ doanh nghiệp, các hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản có kế hoạch chủ động di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản khi bão lũ xảy ra. Hướng dẫn nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình trước 19 giờ ngày 09/11/2013 để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; huy động lực lượng xung kích và phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra; rà soát lại phương châm 4 tại chỗ.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát dân cư ở các vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, ven sông suối, vùng hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, bố trí lực lượng trực, kiên quyết không cho người dân qua lại các sông suối, người dân và phương tiện qua đường tràn bị nước lũ tràn qua đường tràn, các vùng bị chia cắt, soát các phương án phòng chống bão lũ, phương án phải xác định rõ tác động của bão lũ gây; phải có phương án chằng chống nhà cửa; sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ hoặc mưa lớn trên đất liền. Khẩn trương chỉ đạo cho dân tổ chức thu hoạch sớm các loại cây trồng; sản phẩm thủy sản ở những vùng có nguy cơ thiệt hại do bão, lụt gây ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và có phương án phòng chống lũ ở các hồ đập, kênh mương thủy lợi. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi vận hành, điều tiết các hồ chứa nước đảm bảo an toàn ở vùng hạ du. Các Sở, ban, ngành thông báo cho các chủ đầu tư các dự án, các đơn vị đang thi công có phương án phòng chống siêu bão Haiyan, đảm bảo an toàn cho công trình, tài sản và người lao động khi có bão lũ xảy ra.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật thông tin và liên tục đưa tin về tình hình diễn biến cơn bão để nhân dân biết, không được chủ quan, lờ là, chủ động phòng tránh.

Các Sở, ngành và các địa phương đình chỉ các cuộc họp không cần thiết, phân công các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp xuống cơ sở, các vùng trọng yếu để kiểm tra và đôn đốc triển khai ngay các biện pháp phòng chống siêu bão HaiYan. Bố trí trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của cơn bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo kết quả triển khai về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh.

Công tác di dời sơ tán dân: Giao UBND, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các huyện, thành phố có phương án cụ thể di dời dân (số hộ, số nhân khẩu, phương tiện, lực lượng và địa điểm) ở những vùng ven sông, ven biển, những vùng trũng thấp và những chỗ xung yếu đến nơi an toàn khi có bão tố, nước dâng, sóng thần. (Phương án chung là sơ tán dân về các vùng cao, các tòa nhà cao tầng, các nhà kiên cố trong dòng tộc, họ hàng ở các khu dân cư, các trường học).

Vận động nhân dân và có kế hoạch bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng và bảo vệ các công trình công cộng khi bão đổ bộ vào đất liền. Đối với nhà tranh, tre, nứa, lá quá yếu khi bão đổ bộ vào chằng chống cũng không chịu đựng được thì phải có phương án di dời ngay. Vận động nhân dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, dầu hỏa, đèn cầy và các nhu yếu phẩm khác để đối phó với nguy cơ bão lũ đổ bộ vào ban đêm và kéo dài.

Có phương án di dời khách du lịch ở những vùng ven biển có khả năng bị ảnh hưởng bão. Phương án di dời dân cụ thể gửi về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đồng thời phân công lãnh đạo xuống các khu vực xung yếu kiểm tra, rà soát các công việc phòng, chống bão, lũ, bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Lực lượng phương tiện cứu hộ trên biển: Chủ yếu là lực lượng vũ trang bao gồm: Lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn: Sử dụng 4 tàu, 40 đồng chí (Biên phòng: 2 tàu và 20 đồng chí; Đặc công 5: 2 tàu và 20 đồng chí). Phạm vi tìm kiếm cứu nạn: Từ Bình Tiên đến Cà Ná, với tầm vươn xa tùy theo tính năng hoạt động của từng loại tàu cứu nạn. Sau khi người và tài sản được cứu vớt chuyển vào bờ giao cho Hội chữ Thập đỏ các huyện, thành phố. Tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn: Do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp chỉ huy. Không quân 937 cử 1 trực thăng cùng kíp lái tham gia cứu hộ, cứu nạn, thị sát, tuyên truyền khi có yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh. Sau khi người và tài sản được cứu vớt chuyển vào Sân vận động các huyện, thành phố giao cho Hội chữ Thập đỏ các huyện, thành phố.

Để chuẩn bị tốt công tác đối phó với siêu bão HaiYan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công cụ thể cho các thành viên Uỷ ban nhân dân tỉnh xuống các địa bàn để kiểm tra, rà soát các công việc phòng, chống bão, lũ, bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đặc biệt chú trọng công tác việc kiểm tra rà soát việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Phương án di dời dân vùng xung yếu, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị sạt lở, triều cường, sóng lớn,...