Đường đi của Siêu bão Hải Yến. Ảnh nchmf
Sáng nay (7/11), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp đánh giá tình hình thiệt hại sau áp thấp nhiệt đới và biện pháp ứng phó với siêu bão Hải Yến đang hướng về phía Biển Đông.
Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Tính đến 6 giờ sáng nay, Bộ đội biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn cho hơn 85.000 phương tiện với khoảng 385.000 người biết diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão.
Hiện khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) còn 428 phương tiện, với 6.315 người đang hoạt động trên biển. Ông Tỵ đề nghị Ban Chỉ đạo đôn đốc các địa phương kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương di chuyển về bờ. Trong trường hợp phải trú tránh tại các đảo, kiên quyết không để người ở dưới tàu, thuyền.
Kêu gọi tàu thuyền, chuẩn bị cấm biển
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Công tác trọng tâm hiện nay là tập trung kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển ở Bắc vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15, phía Đông kinh tuyến 112 khẩn trương di chuyển về bờ. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đe dọa đến vùng biển và đất liền nước ta.
Trưởng BCĐ PCLB Trung ương Cao Đức Phát cũng yêu cầu, các địa phương chuẩn bị lệnh cấm biển khi bão vào Biển Đông. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau kêu gọi toàn bộ tàu thuyền khẩn trương di chuyển vào đất liền tránh trú bão.
Vùng ven bờ các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định chuẩn bị tập trung hướng dẫn các tàu thuyền neo đậu an toàn; sơ tán dân các vùng cửa sông, cửa biển; di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản và tuyệt đối không để người trên các lồng bè khi bão đổ bộ. Trong điều kiện cần thiết đề nghị cấm đường trên Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh.
Rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trước, trong và sau khi bão đổ bộ, các thành viên Ban Chỉ đạo, và các địa phương cần đặc biệt lưu ý an toàn cho các cột thu phát sóng, tín hiệu viễn thông.
Ngành Điện cần có phương án đảm bảo cho đường dây 500 kV, tránh để xảy ra sự cố như vừa qua. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Văn phòng Ban Chỉ đạo phải thường xuyên cập nhật diễn biến và thông báo kịp thời đến các địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ rất quan ngại sau khi nhận được thông tin về cơn bão này. Trước diễn biến phức tạp của bão, các thành viên Ban Chỉ đạo phải có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo và các địa phương cũng như người dân các biện pháp chủ động phòng tránh. Kế hoạch ứng phó bão phải toàn diện hơn và quyết liệt hơn. Thời gian còn lại không nhiều, nên việc kêu gọi tàu thuyền phải thật khẩn trương. Trên đất liền cũng phải có kế hoạch cụ thể tính đến mọi tình huống để ứng phó bão”.
Cảnh báo lũ khẩn cấp
Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tính đến 7 giờ sáng hôm nay (7/11), lượng mưa phổ biến khoảng 100-200mm, vùng Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi từ 200-300mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn 350mm như A Lưới: 566mm, Thượng Nhật 360mm, Sơn Tây (Quảng Ngãi) 384mm.
Dự báo lũ trên các sông ở từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục lên cao, riêng các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Khánh Hòa đang ở mức cao.
Các sông ở Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên ở mức từ BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Riêng hạ lưu sông Côn và sông Thu Bồn sẽ xuất hiện đỉnh vào sáng mai (8/11) và ở mức BĐ1-BĐ2.
Các địa phương vùng đồng bằng các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng.
Nguồn Chinhphu.vn