Tấm lòng nhân ái của Thầy

(NTO) Mỗi người chúng ta ai cũng có hình bóng của một người thầy khả kính. Thầy Lê Lợi, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Nguyễn Trãi còn là một người cha, người anh thân thương trong suốt cuộc đời tôi. Hình ảnh cao quý của Thầy là hiện thân của một tấm lòng nhà giáo nhân ái hết lòng yêu thương chăm sóc học sinh. Thầy đã từng nuôi dưỡng, yêu thương, dìu dắt tôi từ tuổi thơ cho đến khi khôn lớn thành người.

Còn nhớ năm học lớp 7, vào một buổi chiều, tôi đang ngồi chăm chú ôn bài trên chiếc phản được kê bên mái hiên nhà dưới tán xoài rợp mát. Bất giác, tôi nhìn về phía cổng nhà, thấp thoáng bên rặng cây phi lao có bóng một người bước đi chững chạc đang xuống xe dẫn bộ qua hàng cây rồi dừng lại trước gian nhà chính rồi cất tiếng chào ba tôi. Vì khoảng cách từ chỗ tôi ngồi đến họ cũng khá xa, tuy không nghe được vị khách nói gì với ba nhưng tôi đoán có lẽ cán bộ địa phương tới thăm trao đổi công việc với gia đình.

Nhưng không phải thế, tôi hồi hộp khi nghe ba tôi gọi liền hai tiếng “Oanh ơi, Oanh ơi, lên ba biểu”. Tôi “dạ” một tiếng thật to, rồi chân bước nhanh, tim tôi cũng đập nhanh. Đến nơi, không đợi lâu, ba tôi lên tiếng “Chào Thầy đi con”. Tôi hồi hộp vòng tay đáp lí nhí: “Dạ, em chào Thầy!”. Tôi nghe giọng Thầy nhỏ nhẹ, ấm áp: “ Chào em!”. Tôi cúi thấp đầu đáp lễ. Ngực tôi đập liên hổi với biết bao điều nghi vấn muốn hỏi ba nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Liền sau đó, ba tôi giới thiệu luôn: “Thưa Thầy, đây là trò Oanh, con trai tôi. Nó là đứa mà tôi định gởi cho Thầy đó”. Bên bàn trà, Thầy và ba tôi đang trao đổi về việc kèm cặp cho tôi ở trọ học tại nhà Thầy. Lúc ấy, tôi chỉ biết vòng tay đứng lắng nghe. Dần dần lấy lại được bình tĩnh, tôi lén nhìn Thầy có khuôn mặt nghiêm nghị, hiền hậu, ăn vận chỉnh chu.

Sáng hôm sau, tôi xếp quần áo, sách vở, dụng cụ học tập được ba chở xe đạp từ thôn Công Thành xuống xã Văn Hải trọ học tại nhà Thầy. Cũng chính từ đây mở ra cho tôi một hình ảnh ngưởi Thầy, một tấm gương sáng mà tôi suốt đời luôn học tập và ghi nhớ. Những ngày tháng sống bên Thầy, tôi học được ở thầy rất nhiều điều bổ ích. Ngoài học chữ, tôi còn được Thầy giáo dục về nhân cách và đạo lí làm người. Thầy đã dạy cho tôi từ cách ứng xử, giao tiếp với thầy cô, người lớn tuổi, bạn bè cùng trang lứa. Có lần Thầy nói: “Làm người quí nhất là danh dự, phải biết trọng danh dự, vì nó là nền tảng của cuộc sống”. Thầy cho tôi rất nhiều thứ: Tình thương, niềm vui cuộc sống, sự hồn nhiên của tuổi thơ. Có lần được phụ huynh tặng Thầy vé xem thi đấu tranh giải bóng rổ tại nhà hát thị xã. Lúc đó, chiếc vé mời rất quí nhưng Thầy vẫn nhường cho tôi được xem giải. Những lúc tôi trái gió trở trời, Thầy tận tụy chăm sóc miếng cơm, dỗ dành tôi uống thuốc như tấm lòng người cha đối với con trẻ.

Thầy là một tấm gương nhân ái, giàu lòng thương người, nhất là học sinh nghèo, học sinh không nơi nương tựa. Tôi đã học được ở Thầy bài học lớn về tình yêu thương con người. Hồi ấy, gia đình Thầy có sáu người sinh sống trong căn nhà gỗ đơn sơ và một phòng học dựng tạm làm nơi dạy kèm Toán cho học trò. Với đồng lương ít ỏi của nghề giáo thời bao cấp, Thầy đã dành dụm nuôi người mẹ già yếu và ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Thầy không thu học phí đối với học sinh nghèo, học sinh không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ. Thầy còn dỗ dành an ủi, giúp đỡ các bạn cố gắng vươn lên học tập tốt. Thầy nói: “Các em hãy cố gắng học, dù khó khăn đến đâu cũng đừng nghỉ học. Học để có cái chữ làm vốn để lập thân lập nghiệp và làm rạng danh dòng tộc sau này”. Thực hiện lời dạy đó, tôi cũng như nhiều thế hệ học trò của Thầy đã cố gắng học tập tốt trở thành những công dân thành đạt góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Thầy đã đi xa gần hai mười năm nhưng trong tâm hồn tôi vẫn in đậm hình bóng của nhà giáo nhân hậu đã cho tôi điểm tựa, thắp sáng tâm hồn tôi một ước mơ mà giờ đây tôi tiếp bước đi theo con đường chăm lo sự nghiệp trồng người. Tôi tâm nguyện hết lòng yêu thương chăm lo dạy dỗ các em học sinh để đền đáp công ơn mà thầy giáo Lê Lợi đã dành cho tôi gần 30 năm trước.