Ninh Thuận: Các địa phương khắc phục thiệt hại sau bão

Thuận Nam

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) huyện Thuận Nam, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ vào đất liền tối 6-11 đã gây mưa lớn, gió mạnh giật cấp 6, 7 và sóng lớn tại các vùng ven biển. Tuy không gây thiệt hại về người, tài sản, nhưng do mưa lớn kéo dài, nhiều vùng trũng thấp của huyện bị ngập sâu từ 0,5-1m. Tại xã Phước Nam, gần 40 hộ dân thôn Văn Lâm 3 gần như bị cách ly vì ngập sâu trong nước. Ban PCLB xã đã cho di dời dân ở vùng trũng thôn Nho Lâm và Văn Lâm 3 đến nơi ở an toàn. Trước đó, chỉ đạo BQL thôn Văn Lâm 2 phối hợp với cán bộ thủy nông xả nước kênh Chà Vây để tránh tình trạng vỡ kênh gây ngập lụt.

 
Mưa lớn đã làm nhiều nhà dân xã Phước Nam (Thuận Nam)
ngập nước từ 0,5-1m. Ảnh chụp lúc 10h15 ngày 7-11, khi nước bắt đầu rút. Ảnh: Diễm My

Trên địa bàn huyện có mưa to kết hợp xả lũ của các hồ đập gây ngập lụt cục bộ một số vùng dọc hệ thống kênh thoát lũ sông Lu thuộc địa phận các xã Phước Minh, Phước Ninh và Phước Nam, làm sạt lề đường và vùi lấp một số đoạn thủy lợi nội đồng. Các địa phương chủ động huy động lực lượng khắc phục tại chỗ. Các xã vùng biển Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná không có thiệt hại lớn về phương tiện tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản. Đến trưa ngày 7-11, số tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng cá trên địa bàn huyện là 1.309 chiếc/8.971 lao động, nhìn chung, không xảy ra va đập mạnh, người và phương tiện được đảm bảo an toàn.

Ninh Hải

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tối 6-11, trên địa bàn huyện Ninh Hải có mưa và gió giật cấp 6 đến cấp 7, làm 16 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái, trong đó, xã Xuân Hải: 1 nhà, Phương Hải: 4 nhà, Hộ Hải: 6 nhà, Tân Hải: 5 nhà. Mưa gió cũng đã làm chập điện nổ Trạm biến áp xã Xuân Hải khiến trong đêm khu vực bị mất điện và sập 15m tường Đài Liệt sỹ xã Phương Hải. Nhờ trước đó địa phương làm tốt công tác phòng, chống, kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn, nên mặc dù lúc 22 giờ cùng ngày có sóng đánh mạnh nhưng gần 1.000 chiếc thuyền của ngư dân không bị hư hại.

Qua thống kê ban đầu, thiệt hại do mưa bão gây ra là không đáng kể. Sáng 7-11, các hộ dân đã tự sửa chữa nhà cửa, ngành chức năng khắc phục hư hại tại Trạm biến áp, mọi hoạt động trở lại bình thường. Điều lo lắng nhất hiện nay là, nếu tiếp tục có mưa thì nguy cơ 2.000 ha lúa vụ mùa đang ở giai đoạn làm đòng bị ngập và hàng trăm ha nho, táo gần thu hoạch bị rụng trái. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã tổ chức nạo vét khai thông các tuyến kênh, thông báo cho bà con chằng, chống các giàn nho, táo.

Bác Ái

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa trên địa bàn các xã, đặc biệt ở xã Phước Bình mực nước sông Cái và sông Trương đang lên rất nhanh, khoảng 1 giờ sáng cúp điện trên toàn xã đến nay hệ thống lưới điện đã được khôi phục. Nhờ BCH PCLB huyện đã chỉ đạo bà con chủ động phòng tránh từ trước nên đến thời điểm này trên địa bàn huyện chưa có trường hợp thiệt hại về người và nhà cửa…

 
Đập Suối Ô Câm (đường Phước Trung-Phước Chính) nơi thường xuyên bị chia cắt bởi mưa lũ.
Ảnh: Hoàng Hải

Ninh Sơn

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã xảy ra mưa to kèm theo gió mạnh, làm nhiều địa phương trên địa bàn huyện bị thiệt hại về nhà cửa và hoa màu.

Tại các thôn Gia Rót, Hà Dài, xã Ma Nới và Phú Thủy, Tân Mỹ, Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn gió lớn đã làm tốc mái 7 căn nhà. Ngoài ra, mưa lớn và gió đập mạnh làm hệ thống lưới điện ở các thôn: Phú Thủy, Phú, Thạnh, Tân Mỹ, Nha Húi của xã Mỹ Sơn bị mất điện hoàn toàn trong nhiều giờ liền. Về sản xuất nông nghiệp, toàn huyện có trên 82 ha hoa màu, gồm: Lúa, bắp tại các xã Hòa Sơn, Ma Nới, Mỹ Sơn bị thiệt hại.

 
Khẩn trương gia cố lại bờ kè suối Gia Chiêu (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn). Ảnh: Văn Thanh

Để kịp thời giúp người dân sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, sáng ngày 7-11, lãnh đạo huyện Ninh Sơn đã có mặt tại các nơi bị thiệt hại để thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục, giúp dân khôi phục sản xuất. Riêng bờ kè tại khu vực suối Gia Chiêu (xã Lâm Sơn) do trước đây đã bị sạt lở, để tránh nguy cơ vỡ kênh Bình Phú khi mưa lớn gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương khai thông dòng chảy, đắp bờ gia cố để đảm bảo sự cố khi trường hợp mưa lớn xảy ra lũ quét.

Ninh Phước

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện Ninh Phước, mưa kèm gió lớn đêm 6-11 đã làm nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều diện tích hoa màu, nho, táo bị hư hại nặng do mưa bão. Đặc biệt, 700 ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch đã bị đổ ngã.

Riêng trên địa bàn xã Phước Hậu, có 3 nhà dân bị sập hoàn toàn, 5 nhà bị xiêu vẹo, tốc mái, 5 trụ điện bị gãy. Về nông nghiệp, có trên 8 ha nho và 19,6 ha táo đang và sắp thu hoạch bị sập giàn, gãy cành… hư hỏng nặng. Ngoài ra, 20% diện tích hoa màu, chủ yếu là cây bắp và ớt đang thu hoạch cũng bị nước ngập và gãy đổ.

Phan Rang- Tháp Chàm

Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng áp thấp nhiệt đới gây ra đã làm cho 16 ngôi nhà trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm bị tốc mái; gần 5 ha táo bị hư hại; 1 ha nho bị sập giàn; 80 ha lúa vụ mùa bị ngập nước và hàng trăm xây xanh gãy, đổ. Chính quyền các cấp của thành phố đã huy động trên 1.000 dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả.

 
Các đơn vị công ích tiến hàng dong chặt, thu dọn các cây ngã đỗ sau bão
trên các tuyến đường. Ảnh: Uyên Thu

Tại phường Đông Hải có 6 nhà dân bị tốc mái; một số vùng trũng thấp ở khu phố 2 bị ngập úng cục bộ. Sáng ngày 7-11 lực lương thanh niên, dân quân tự vệ địa phương đến sửa chữa nên giờ cũng đã tạm ổn. Ngoài việc giúp nhân dân tu sữa nhà cửa, địa phương cùng BQL khu phố 2 dùng máy bơm nước, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Công tác khắc phục thiệt hại sau bão tại phường Văn Hải cũng hết sức khẩn trương. Toàn phường có 5 nhà ở bị tốc mái; gần 6 ha nho, táo bị hư hỏng; 2 mô hình thử nghiệm trồng rau an toàn theo hướng ViệtGAP trong nhà lưới của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh tại khu phố 3, khu phố 5 bị sập hoàn toàn. Mưa to trong nhiều ngày, cộng với gió lớn đêm 6-11 đã làm tốc nhiều mái ngói Trường TH Văn Hải 2, cây cối trong khuôn viên nhà trường gãy ngã buộc nhà trường phải cho học sinh tiếp tục nghỉ học sáng ngày 7-11…