Bài học về phòng, chống thiên tai sau cơn bão số 13

(NTO) Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hay còn gọi cơn bão số 13 đã đi qua, mặc dù không gây ảnh hưởng đến tỉnh ta theo dự báo ban đầu, nhưng qua công tác triển khai phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) đã để lại cho tỉnh ta nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Quán triệt Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ huy PCLB &TKCN Trung ương về triển khai phòng, chống cơn bão số 13, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến ATNĐ để thông báo cho lãnh đạo tỉnh nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống; ban hành các Công điện, Thông báo chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan các biện pháp ứng phó. Đồng thời, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ chiều tối ngày 5-11, tỉnh ta cũng đã khẩn trương thành lập 4 đoàn công tác do Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm Trưởng đoàn tập trung xuống các địa phương, bám sát cơ sở để chủ động chỉ đạo công tác phòng chống, đồng thời xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra. Công tác PCLB &TKCN được triển khai một cách chủ động.

 
Các địa phương chuẩn bị áo phao sẵn sàng cứu hộ người dân vùng lũ. Ảnh: Sơn Ngọc

Cụ thể, ngay khi tin ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã thông báo và hướng dẫn cho tàu thuyền trong và ngoài tỉnh biết hướng di chuyển, cấp độ của bão; hướng dẫn đến nơn trú bão an toàn. Tính đến 14h, ngày 6-11, BĐBP tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 2.651 phương tiên/13.076 ngư dân trong tỉnh và 112 phương tiên/721 ngư dân ngoài tỉnh biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Các sở, ngành và các địa phương đình chỉ các cuộc họp không cần thiết, phân công các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB &TCKN các cấp xuống cơ sở, các vùng trọng yếu để kiểm tra và đôn đốc triển khai ngay các biện pháp phòng chống cơn bão số 13; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình... để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền. Công ty TNHH-MTV Khai thác công trình Thủy lợi bố trí người bảo vệ công trình, sẵn sàng ứng cứu khi có mưa lớn, lũ xảy ra; kiểm tra vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và thông tin cảnh báo phương án sơ tán dân cho vùng hạ du. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cùng các địa phương cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khu vực xung yếu, các địa phương đã chủ động sơ tán các hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngành giáo dục đã cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 6-11. Đồng thời, chỉ đạo các huyện có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, huyện Ninh Hải đã tổ chức di dời 130 hộ/540 người; huyện Ninh Phước đã tổ chức di dời 895 hộ/3.382 người (hiện nay, các hộ dân di dời đã trở về nhà an toàn).

Nhờ vậy, khi ATNĐ đổ bộ vào tỉnh ta đã không gây ảnh hưởng thiệt hại nhiều tài sản của nhân trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB & TKCN tỉnh, ATNĐ đã làm tốc mái 34 nhà của dân, trong đó Tp Phan Rang-Tháp Chàm 16 nhà, Ninh Hải 11 nhà, ngoài ra gây ảnh hướng đến số một số diện tích hoa màu, cây xanh, tình trạng mất điện cục bộ ở một số địa phương.

Qua cơn bão số 13, tỉnh ta cũng đã xác định được các khu vực trọng điểm, xung yếu bao gồm ven biển, cửa sông và trên biển; khu vực các huyện miền núi thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất đến các khu vực ngập lụt… Ðây là những vùng thường chịu ảnh hưởng nhiều rủi ro thiên tai, qua đó chỉ đạo các địa phương phân vùng, đánh giá nguy cơ rủi ro để đề ra các biện pháp phòng, tránh phù hợp theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng sơ tán dân cư và thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn khi bão, lũ xảy ra. Ðồng thời, cũng tìm ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục như: Công tác điều hành, ứng phó ở một số cấp cơ sở còn lúng túng; cấp ủy, chính quyền và một số bộ phận dân cư ở các xã chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của thiên tai, còn tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của cấp trên. Đặc biệt, một bộ phận dân cư ven biển, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão lũ lại rất chủ quan trong công tác phòng chống.

Hiện nay, đã xuất hiện một cơn bão gần biển Đông (cơn bão HaiYan) có cường độ mạnh và đường đi diễn biến phức tạp, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nước ta trong vài ngày đến. Trong khi đó, theo quy luật hằng năm, những cơn bão từ tháng tháng 10 trở đi thường đổ bộ vào Nam Trung bộ và miền Nam. Đồng chí Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Ban PCLB &TKCN tỉnh cũng như các địa phương cần chủ động xây dựng phương án đối phó với bão, với phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khôi phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó lấy phòng, tránh là chính. Ðôn đốc tu bổ, sửa chữa các công trình bị xuống cấp, hư hỏng, bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập, đê sông, đê biển, cũng như tính mạng người dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm đề phòng bão lũ chia cắt và hỗ trợ cho người dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Khi bão đi qua, cần nhanh chóng phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.