Đáng mừng nữa là qua cơn bão này có thể nói từ lãnh đạo tỉnh đến các cấp, ngành, nhất là địa phương, cơ sở đã thực hành vận hành hiệu quả “kịch bản” trong việc chủ động để ứng phó với thiên tai bằng phương châm “4 tại chỗ”.
Có cùng đi với các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh để kiểm tra chỉ đạo ứng phó với bão tại các điểm xung yếu, chúng tôi mới cảm nhận được hết tính khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt từ chỉ đạo đến thực hiện. Bão có khả năng đổ bộ vào tỉnh ta không là “giả định” như diễn tập mà là thực sự và ảnh hưởng trước hết vẫn là cư dân các xã vùng biển cũng như tàu, thuyền khai thác hải sản. Toàn tỉnh có 2.651 tàu, thuyền với trên 16.230 lao động chỉ sau tin báo bão là các địa phương đã chỉ đạo đơn vị chức năng liên lạc, thông báo để vào các cảng tránh, trú. Đến trưa ngày 6-11 – thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ vào tỉnh hầu hết tàu thuyền nói trên đã được liên lạc và vào cập bến an toàn. Riêng trên địa bàn tỉnh đã có 2.267 chiếc/ 13.076 lao động vào neo đậu tại các cảng cá… Không những vậy “kịch bản” di dời các hộ dân ở vùng trũng, vùng bị ảnh hưởng cũng được triển khai một cách khẩn trương, nhanh chóng khi có tình huống xấu xảy ra- tạo được sự ủng hộ của nhân dân.
Ngư dân phường Đông Hải đưa thuyền và ngư cụ vào bờ tránh bão. Ảnh: Văn Thanh
Lực lượng vũ trang tỉnh cũng đã chủ động “vào cuộc”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngoài việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện trực 100% quân số, còn có kế hoạch huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh… Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ bộ đội giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền, giúp dân chằng chống lồng bè nuôi tôm, nhà cửa… trong mưa gió để chống bão đã thêm thắt chặt tình quân dân và tạo dấu ấn tốt đẹp trong cư dân địa phương.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy trong chủ động phòng tránh thiên tai, người dân một số địa phương còn thụ động, thậm chí còn quá chủ quan mặc dù địa phương đã liên tục thông báo tình hình diễn biến của cơn bão số 13. Tại các xã vùng biển đa phần người dân chưa thực hiện tốt việc chằng chống nhà cửa nhất là sử dụng các vật nặng như bao cát để đè mái tôn, tránh bị gió thổi tốc mái; hoặc chủ động thu dọn để khi có yêu cầu là di dời kể cả tài sản đến nơi an toàn… ở những vùng được xác định là “điểm nóng”…
Chúng ta “thở phào nhẹ nhỏm” vì cơn bão số 13 đã đi qua không gây thiệt hại đáng kể nhưng đã “để lại” nhiều kinh nghiệm thực tế từ khâu chỉ đạo đến “vận hành” từ tỉnh đến cơ sở, cả mặt được và chưa được để chủ động hơn, hiệu quả hơn…trong ứng phó với thiên tai nếu có xảy ra.
Hạ Huyền