Buổi tọa đàm diễn ra ngày 6/11 tại Hà Nội (Ảnh: KL)
Các đại biểu quốc tế tham dự tọa đàm có Đại sứ, đại diện các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam gồm: Argentina, Mexico, Panama; đại diện Đại sứ quán các nước nói tiếng Tây Ban Nha gồm: Angola, Mozambique, Palestine.
Đại biểu Việt Nam có: Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Thông tấn xã Việt Nam, các học giả đến từ các viện nghiên cứu, lãnh đạo các hội hữu nghị song phương của Việt Nam với các nước Mỹ Latinh, cùng đông đảo sinh viên Đại học Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ông Nguyễn Duy Cương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba chủ tọa buổi tọa đàm.
Với vai trò diễn giả, Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, ngài Jorge Rondon Uzcategui đã trình bày tham luận “ALBA như một cơ chế hội nhập toàn cầu”; giới thiệu mô hình liên kết mới nhất mang tính đoàn kết đã được áp dụng trong lịch sử nhân loại, đó là ALBA-Liên minh Bolivariana dành cho châu Mỹ. Tổ chức hợp tác khu vực này bao gồm các thành viên: Venezuela, Cuba, Ecuador, Bolivia, Nicaragua, Antigua và Barbuda, Dominica và San Vicente, Santa Lucia và Granadinas. Sắp tới sẽ kết nạp thêm Surinam và Haiti với tư cách là thành viên khách mời thường trực.
Ý tưởng thành lập ALBA được Tổng Tư lệnh tối cao Hugo Chavez Frias đưa ra lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia vùng Caribe vào năm 2001.
Alba có 4 nguyên tắc định hướng hoạt động gồm: Đoàn kết sâu rộng giữa các dân tộc Mỹ Latinh và Caribe; không chấp nhận các tiêu chí thương mại hoặc quyền lợi ích kỷ của quốc gia này để gây hại cho quốc gia khác; hội nhập dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kinh tế; Liên minh chính trị, kinh tế, xã hội nhằm bảo vệ độc lập, tự chủ và bản sắc của các nước cùng thuộc khối.
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio Lopez Diaz chia sẻ về các thành tựu của ALBA, trong đó có chương trình xã hội nhân đạo điều trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo bị bệnh mắt; chương trình đào tạo bác sĩ cộng đồng. Bệnh viện tim trẻ em Mỹ Latinh Dr. Gilberto Rodríguez Ochoa có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân từ 0 đến 18 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh. Chương trình xóa mù chữ giúp thanh niên và người lớn hòa nhập xã hội và phát triển toàn diện con người, cải thiện trình độ giáo dục, xóa bỏ nạn mù chữ tại các nước thuộc ALBA và đảm bảo nguyện vọng theo đuổi việc học hành...
Tại tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mạnh, Trung tâm Mỹ Latinh, Viện nghiên cứu châu Mỹ trình bày về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam với các nước ALBA. Với 8 nước thành viên, cộng đồng ALBA có khoảng 80 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội khoảng 500 tỷ USD.
Tham luận nêu bật những lợi thế triển vọng thúc đẩy hợp tác hai bên như: ALBA có chính sách đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như: gạo, cà phê, giày dép, thủy sản, cao su, hóa chất, nhựa... ; đồng thời là nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước như: giày dép, dệt may, bông, gỗ, giấy, sắt, thép, thức ăn gia súc...
Tiến sĩ Chu Huy Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học và công nghệ phát triển nông thôn trình bày tham luận “Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ Latinh-Cầu nối của tình hữu nghị”. Tham luận đã nêu bật mối liên hệ về văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ Latinh có từ khá sớm. Giai đoạn những năm 70 của thế kỷ 20, giữa lúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam ở vào thời kỳ quyết liệt, cuốn sách “Việt Nam anh hùng” đã được lưu hành rộng rãi ở các nước Mỹ Latinh. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và nhiều tác phẩm văn học hiện đại đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha xuất bản ở nhiều nước trong khu vực Mỹ Latinh...
Tại Việt Nam, trong thời điểm đất nước khó khăn do chiến tranh ác liệt kéo dài nhưng hầu hết các nhà văn lớn của Mỹ Latinh đều được giới thiệu. Không ít tác phẩm của họ đã được dịch ra tiếng Việt, xuất bản với số lượng lớn như: Thơ Pablo Nêruđa (Đào Xuân Quý giới thiệu và tuyển dịch), thơ Nicolas Guillen (Xuân Diệu dịch và giới thiệu)... Một thời bài hát “Cây đàn ghi ta của Victor Hara" sáng tác vào năm 1973 đã được các bạn trẻ yêu ca hát ở Việt Nam rất mến mộ...
Tiến sĩ Chu Huy Sơn nhận định: "Nhờ có giao lưu văn hóa, nhân dân Việt Nam hiểu biết thêm về Mỹ Latinh, trong đó có khối ALBA. Âm hưởng chủ đạo ở đây là hiểu biết và đồng cảm với các chính phủ và nhân dân thuộc khối ALBA trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành các quyền lợi cơ bản: Độc lập dân tộc và hạnh phúc của mình. Mối giao lưu văn hóa qua lại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh những thập niên qua thực sự trở thành cầu nối quan trọng của tình hữu nghị giữa các dân tộc chúng ta. Tiềm năng và triển vọng của lĩnh vực này còn rất lớn".
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam