Thuận Nam: Chủ động phương án ứng phó với cơn bão số 13

(NTO) Ngay từ sáng sớm ngày 6-11, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) huyện Thuận Nam đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng triển khai phương án chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 13.

Đồng chí Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Ban Thường trực Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện, cho biết: Đến thời điểm này, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chằng chống, gia cố vững chắc nhà cửa, neo đậu tàu, thuyền. Đồng thời, khẩn trương triển khai lực lượng giúp người dân vùng sạt lở, ven biển, vùng trũng thấp di dời về nơi an toàn, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ. Huyện cũng đã tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, đặc biệt là các hộ dân sinh sống ở ven hồ Tân Giang, CK7, Suối Lớn… Lập kế hoạch trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng vũ trang từ 40 người đến 60 người cùng với lực lượng xung kích ở các xã tham gia cứu hộ. Vật tư bảo đảm cho công tác cứu hộ như: ghe, xuồng, áo phao, xe tải, bãi lấy cát, đá hộc, rọ sắt, bao tải… được chuẩn bị đầy đủ. Đề phòng lũ lớn vượt mức báo động, có thể xảy ra tình huống xấu, nên huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Thủy nông theo dõi sát mực nước các hồ đập; kiểm tra hệ thống thoát lũ, nhất là các đoạn xung yếu; khi tiến hành xả lũ tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc lưu lượng cho phép.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra công tác phòng, chống
cơn bão số 13 tại cảng Cà Ná.

Đặc biệt, tại các địa bàn xung yếu như xã Nhị Hà, Phước Minh hay có lũ quét; Phước Ninh, Phước Nam bị ngập úng; ven biển Phước Diêm, Phước Dinh, Cà Ná nước biển dâng cao kèm theo sóng lớn khi có mưa bão xảy ra. Vì vậy, để PCLB có hiệu quả, huyện xây dựng phương án cụ thể cho từng khu vực. Đối với vùng triền suối, vùng trũng thấp, vùng thường xuyên xảy ra lũ quét huyện chỉ đạo UBND các xã huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với đội cứu hộ, cứu nạn huyện thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; rà soát lại các hộ nằm ở khu vực xung yếu, có phương án di đời dân ra khỏi vùng lũ lụt uy hiếp. Đối với 3 xã ven biển, chủ động phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng 416, 420 và các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu.

Bộ đội Biên phòng Đồn 420 giúp ngư dân Cà Ná neo buộc tàu thuyền an toàn.

Theo thống kê, hiện tổng số tàu đang neo đậu trên các vùng biển của huyện là 1.171 chiếc với 8.239 lao động; trong đó có 110 chiếc/640 lao động thuộc tàu các tỉnh đang neo đậu tránh bão. Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện đã chủ trương bằng mọi biện pháp phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh bão, neo đậu an toàn. Giao cho lực lượng Biên phòng, BQL các cảng cá và UBND các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná hướng dẫn, sắp xếp cho ngư dân các tàu đưa thuyền vào neo đậu theo quy định; tuyệt đối không cho neo đậu tàu thuyền ở các bãi ngang như Sơn Hải, Từ Thiện, Tây Giang. Huyện cũng kịp thời nắm bắt thông tin, hiện còn khoảng 302 tàu thuyền của bà con ngư dân 3 xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Diêm đang hoạt động trên vùng biển các tỉnh: Bình Thuận, Kiên giang, Sóc Trăng, Quảng Ngãi và đảo Phú Quốc. Hơn 2.560 lao đông trên các tàu này đều được thông báo tình hình diễn biến của bão và đã tìm nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND huyện cũng khuyến cáo đến các hộ nuôi trồng thủy sản và bà con nông dân tập trung thu hoạch sớm. Đồng thời, duy trì phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.