Theo báo cáo nhanh, tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh là 2.651 chiếc/16.230 lao động. Trong đó: Có 2.002 chiếc/11.563 lao động đang neo đậu tại các cảng, bến trong tỉnh; 649 PT /4.627 lao động đang hoạt động trên vùng biển Sóc Trăng, Kiên Giang, Bình Thuận, Vũng Tàu và đang hoạt động ven bờ, vùng biển Ninh Thuận đi về trong ngày, tất cả các phương tiện đều nhận được thông tin về tình hình cơn bão và thường xuyên giữ liên lạc với đất liền. Tàu thuyền chưa liên lạc được 10 chiếc/76 lao động (đang hoạt động ở Kiên Giang 05 chiếc/39 lao động, Sóc Trăng: 05 chiếc/37 lao động).
Ngoài ra, tàu thuyền của các địa phương khác đang neo đậu tại Ninh Thuận có 140 PT/1.024 lao động.
Tại Cảng Cà Ná, đến 9 giờ sáng ngày 6-11, tất cả các phương tiện tàu thuyền của địa phương đã được liên lạc, thông báo và về nơi trú bão an toàn. Tại khu vực 2 xã Cà Ná, Phước Diêm đã có 604/879 phương tiện (PT) tàu thuyền về neo đậu tại cảng Cà Ná . Đồn Biên phòng 420 cũng đã liên lạc được tất cả các phương tiện tàu thuyền còn lại của địa phương, trong đó, 161 PT neo đậu tại Bình Thuận, 102 PT neo đậu tại tỉnh Kiên Giang, số còn lại neo đậu tại Sóc Trăng. Tại cảng Đông Hải, Tp Phan Rang Tháp Chàm, theo báo cáo nhanh đến 10h sáng, 635/750 PT tàu thuyền của ngư dân đã về trú bão an toàn tại cảng. Số tàu thuyền còn lại của địa phương đã được liên lạc và thông báo hiện đang neo đậu tại cảng Cà Ná, Mỹ Tân. Tại khu tránh trú bão của cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải, Ban quản lý cảng cho biết hiện có 492 tàu thuyền của địa phương và 36 tàu thuyền các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định đang neo đậu. Hiện đang liên lạc với 5 tàu ngoài khơi để kêu gọi vào bờ.
Hiện nay, chính quyền các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát và tổ chức sơ tán dân cư ở các vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, ven sông suối, vùng hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiên quyết không cho người dân qua lại các sông suối khi có lũ xảy ra. Khẩn trương chỉ đạo cho dân tổ chức thu hoạch sớm các loại cây trồng; sản phẩm thủy sản ở những vùng có nguy cơ thiệt hại do bão, lụt gây ra.
Phát biểu với lãnh đạo các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hoà nhấn mạnh: “Theo dự báo, tâm bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Do vậy, tùy theo diễn biến của bão cần chủ động cấm biển, đồng thời kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn. Các địa phương chủ động lên phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình... để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, kiểm tra phòng chống
cơn bão số 13 tại cảng Cà Ná
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, kiểm tra phòng chống
cơn bão số 13 tại cảng Đông Hải
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 13
Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
trao đổi với phóng viên báo chí về tình hình triển khai phòng, chống cơn bão số 13.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, kiểm tra phòng chống
cơn bão số 13 tại cảng Ninh Chử
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn 420 giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão.
Ban chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác ứng phó phòng chống bão. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty TNHH-MTV Khai thác công trình Thủy lợi bố trí người bảo vệ công trình, sẵn sàng ứng cứu khi có mưa lớn, lũ xảy ra; kiểm tra vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và thông tin cảnh báo phương án sơ tán dân cho vùng hạ du; rà soát các phương án sẵn sàng sơ tán dân cư vùng cửa sông, ven biển, vùng trũng thấp, vùng bị ảnh hưởng mưa lớn, triều cường, vùng sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường có khả năng bị ngập, đường ngầm để hướng dẫn nhân dân và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và cơn bão tiếp theo, dự báo về tình hình thời tiết, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan và các phương tiện thông tin để đưa tin kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cùng các địa phương cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo: “Tập trung huy động toàn lực để chống bão đổ bộ vào đất liền và phòng lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển ... Phát huy tốt nhất phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Mọi công tác phòng chống cơn bão số 13 phải được hoàn tất trước 12 giờ, ngày 6-11.
►Sáng ngày 6-11, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).Toàn phường Đông Hải có khoảng 6.000 hộ dân, là địa phương xung yếu, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi cơn bão số 13 đi qua.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra bờ kè phường Đông Hải
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương huy động toàn bộ lực lượng, khẩn trương vận động, hỗ trợ người dân, đặc biệt các hộ dân nằm sát bờ kè Đông Hải di dời đến chỗ an toàn; chằng chống lại nhà cửa, cho toàn bộ tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để phòng chống bão lụt. Mọi công tác chuẩn bị đối phó với bão phải được thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 6-11- 2013.
►Ngày 6-11, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 13 tại huyện Thuận Bắc.Sau khi làm việc với lãnh đạo huyện, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra hệ thống công trình hồ thủy lợi Bà Râu và khu vực thôn Bình Tiên của xã Công Hải.
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thuận Bắc.
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hồ chứa nước Bà Râu thuộc xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc
Tại những nơi kiểm tra, đồng chí Võ Đại yêu cầu địa phương nhanh chóng vận động nhân dân chằng chống nhà cửa. Chỉ đạo chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng như: Bộ đội, Công an, dân quân địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp theo đúng tinh thần 4 tại chỗ. Cắt cử cán bộ bám sát địa bàn, cấm không được để các phương tiện ở các bến sông, cửa biển hoạt động. Khi xảy ra bão, lũ nhanh chóng di dời người và tài sản đến nơi an toàn và bố trí lực lượng xung kích trực 24/24 tại các điểm bị cắt đường để hướng dẫn nhân dân và các phương tiện đi lại bảo đảm an toàn, trường hợp các điểm cắt có lũ chảy xiết thì kiên quyết không để các phương tiện lưu thông...
Xuân Bính- Uyên Thu- Văn Thanh- Văn Miên